Chat hỗ trợ
Chat ngay

QUY TRÌNH XỬ LÝ ĐỂ TRÁI CHÔM CHÔM CÓ CHẤT LƯỢNG CAO

QUY TRÌNH XỬ LÝ

ĐỂ TRÁI CHÔM CHÔM CÓ CHẤT LƯỢNG CAO


Chôm chôm (Nephelium lappaceum L.) là loài cây vùng nhiệt đới Đông Nam Á, thuộc họ Sapindaceae (họ bồ hòn). Tên gọi chôm chôm (hay lôm chôm) tượng hình cho trạng thái lông của quả loài cây này.

1. Giới thiệu:

Cây chôm chôm là giống cây trồng khởi nguyên ở Đông Nam Á. Ngày nay được trồng trong vùng có vĩ độ từ 15° nam tới 15° bắc gồm châu Phi, châu Đại Dương, Trung Mỹ và đặc biệt càng ngày càng gia tăng ở Úc châu và quần đảo Hawai. Cây chôm chôm thích ứng cho những vùng đất không ngập nước. Do đó, ở Việt Nam, chôm chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai và nam Trung Bộ.

2. Những đặc tính chủ yếu:

Cây chôm chôm có thể cao 8 tới 10 m, lá đơn, phiến lá hình trái xoan, đầu và đuôi lá nhọn, mọc cách, màu xanh tới xanh đậm, ngọn búp có lớp bao màu hơi đỏ. Hoa tự chùm ở đầu cành, đài từ 3 đến 5 mm, tỏa mùi thơm dịu. Trái chín 15-18 tuần sau khi kết quả. Mỗi chùm đậu quả độ trên dưới 20 trái. Mỗi năm chôm chôm có 2 mùa trái. Mỗi cây trưởng thành có thể cho thu hoạch từ 5.000 đến 6.000 trái mỗi mùa (độ 60-70 kg).
Chôm chôm là cây ra hoa nhiều, song tỉ lệ hoa thụ rất thấp, tỉ lệ quả chị từ 1 đến 3%. Sự thúi (hư) quả xảy ra nặng trong 3 tuần đầu khi thụ tinh và nhẹ hơn trước khi quả chín. Có lẽ nguyên nhân chính là thiếu dinh dưỡng (thiếu phân).
Bầu noãn của hoa chôm chôm có hai tâm bì (lá noãn), nhưng thông thường chỉ có một tâm bì phát triển thành quả (hiếm khi cả hai phát triển thành quả). Thời gian phát triển mất từ 13 tới 16 tuần lễ. Tỉ lệ phần thịt quả tăng nhanh từ tuần lễ thứ 9 cho tới tuần lễ thứ 13 và chậm hẳn từ tuần lễ thứ 13 tới tuần lễ thứ 16 (lúc thu hoạch).

3. Đặc tính sinh thái cơ bản:

Chôm chôm là loài cây có thể trồng từ xích đạo cho đến vĩ tuyến 18° nhưng thường để kinh doanh có hiệu quả thì nên trồng đến vĩ tuyến 14°, độ cao thích hợp từ 0 – 700 m, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2000 – 5000 mm, nhiệt độ bình quân từ 22°C – 30°C, nghĩa là nên trồng ở các tỉnh miền Nam, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
Chôm chôm có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất phù sa thoát nước tốt, đất thịt pha cát, đất đỏ bazan.
Cây chôm chôm được phân bố ở nhiều nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippinnes, Việt Nam.

4. Giá trị dinh dưỡng và ý nghĩa kinh tế:

Thành phần hóa học cây chôm chôm:

Chôm chôm là loài cây có quả hoặc để ăn tươi, hoặc đóng hộp dưới nhiều hình thức, để dự trữ hoặc xuất khẩu. Hạt chôm chôm có thành phần dầu cao nên cũng được dùng để sản xuất dầu ăn hay xà phòng. Cây và rễ chôm chôm cũng có thể dùng cho việc sản xuất dược phẩm và màu. Ở Việt Nam, người làm vườn chôm chôm có mức thu nhập tương đối cao so với các ngành Trồng Trọt khác.

Hạt chôm chôm chứa 35-40% chất dầu béo đặc, có cấu trúc của hạt ca cao, có mùi dễ chịu, gồm phần lớn là arachidin, cùng với olein và stearin. Vỏ quả chứa tanin và một saponin độc. Vỏ cây và quả xanh có chứa tanin.

5. Yêu cầu điều kiện ngoại cảnh:

Ánh sáng có ảnh hưởng tới sự chuyển biến màu của vỏ quả, tức là sự chuyển biến của sắc tố anthocyanins. Quả ở ngoài sáng đỏ tươi, đẹp hơn quả trong bóng rợp.

Lượng mưa và độ ẩm rất quan trọng nhất là trong thời gian quả phát triển cần nhiều nước. Những quả nhỏ khi chín thường là kết quả của sự thiếu nước trong những tuần lễ đầu của quá trình phát triển quả. Như vậy nếu làm quả ra sớm, nghĩa là phần đầu của quá trình phát triển nằm trong mùa nắng thì vườn cần được tưới nước. Ngược lại mưa thất thường vào đầu mùa mưa làm cho quả dễ bị nứt vì lúc này ruột quả phát triển quá mạnh so với phần vỏ. Theo ghi nhận của nhiều nhà làm vườn tại Thái Lan có những năm tỉ lệ nứt quả trên giống chôm chôm nổi tiếng vỏ mỏng (rongrien) lên đến trên 50%. Mỗi quả chôm chôm có độ 400 cái râu (lông), trên mỗi râu có nhiều khẩu bào làm thoát hơi nước mạnh, vì thế hễ ẩm độ không khí thấp sẽ làm các râu queo lại, chuyển qua màu nâu đen, kém chất lượng.

6. Nhân giống:

Chôm chôm có thể nhân giống bằng hạt hoặc chiết nhánh. Hoa chôm chôm hoặc có giống đực, hoặc có 2 giống, không có khả năng tự thụ phấn để tạo quả, cần có côn trùng (ong bướm) để phân nhụy.

7. Cách trồng:

Khoảng cách trồng là 10 m x 10 m hoặc 12 x 12 m.

Chuẩn bị hố trồng:

Hố trồng có kích cỡ vuông 80 cm xx 80 cm, sâu 75 cm. Khi đào hố nên để riêng đất trên mặt (lớp đất phía trên đến 30 cm) ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên.

Lượng phân cho mỗi hố: 10 kg phân hữu cơ hợc phân chuồng hoai, 0,2 – 0,3 kg Super lân trộn đều với đất mặt lấp đầy hố. nếu không đủ đất thì lấy thêm đất mặt ở xung quanh và rải thuốc chống mối.

Sau đó tưới đẫm nước (hoặc có ít nhất 2 đến 3 cơn mưa) cho hỗn hợp dất + Phân phân hủy nhanh.

Ở những nơi thoát nước tốt như đất đỏ bazan, đất thịt pha cát chỉ cần lấp đầy hố để sau khi tưới nước đất lún xuống mặt hố sẽ hơi thấp hơn mặt đất bình thường khoảng 10 – 15cm. Đối với vùng đất thoát nước kém thì phải lấp đất cao hơn mặt hố từ 10-15 cm, sau khi tưới nước, đất lún xuống bằng mặt đất tự nhiên là vừa.

Hố trồng phải chuẩn bị xong trước khi trồng từ 10 đến 15 ngày.

Riêng đối với đất phù sa đồng bằng sông Cửu Long tuỳ theo độ cao của thủy cấp mà đắp ụ hoặc lên liếp tối thiểu cao hơn mặt nước từ 80 – 100 cm và hố trồng căn cứ vào mặt liếp mà vận dụng.

8. Chăm sóc:

Hai biện pháp quan trọng là bón phân và tưới nước:

– Bón phân: cần bón đầy đủ và cân đối, lượng phân và tỉ lệ các loại phân thay đổi theo tính chất của đất, độ lớn của cây và sản lượng cây. Khảo cứu của các tác giả Thái Lan cho biết trong thời kỳ cây tăng trưởng (kiến thiết cơ bản) cần bón N-P-K theo công thức 16-16-16. Trong thời kỳ thu hoạch theo tỉ lệ N-P-K là 12-12-17 và trong khi nuôi quả là 13-13-21. Cần bón từ 2 đến 3 lần mỗi năm, lượng phân tăng mỗi năm 0,5 kg. So với cách bón phân tại nước ta thì bà con ta chú trọng nhiều vào phân đạm hơn các loại phân khác.

Sự tưới nước thất thường sẽ dẫn đến các hiện tượng sau:

+ Quả không đồng đều, lúc thiếu nước quả nhỏ hơn bình thường.
+ Quả có thể bị nứt, nhất là giai đoạn đầu của quá trình phát triển quả đã phát triển xong phần vỏ ở thời kỳ thiếu nước tiếp theo là giai đoạn phát triển ruột quả ở thời kỳ thiếu nước khiến phàn ruột phình ra, vỏ bị tức nên nứt toạc ra, hiện tượng này cũng gặp nhiều loại trái như chuối, cam, mít….. Hiện nay ở một số nước, biện pháp tưới nước nhỏ giọt được coi là lý tưởng vì giữ độ ẩm điều hoà hơn, đỡ tốn nước (trường hợp Long Khánh), kiểm soát phân tốt hơn ….

Xử lý ra hoa: Chôm chôm cũng phải tỉa cành như nhãn: sau mỗi mùa thu hoạch tỉa bỏ các cành đã mang trái bằng cách bấm sâu vào các cành này vì chúng đã kiệt nhựa để cành mới sinh ra. Tất cả các cành bệnh, cành vượt, cành khuất trong tán nên tỉa bỏ. Sau đó bón phân căn bản để cây mau tích lũy lại các chất dự trữ trong thân càng sớm, như vậy khi xử lý ra hoa mới có hiệu quả. Một số biện pháp xử lý ra hoa thông thường đã được một số nơi áp dụng như sau: xiết nước vào đầu mùa khô từ 3-6 tuần tùy độ lớn, sức sinh trưởng của cây và đặc điểm của đất, sau đó bón phân nhử (bón ít) và tưới nhử (tưới ít) vài ngày trước khi bón đậm, tưới đậm và đều trở lại, cây sẽ ra hoa sớm hơn bình thường. Một số nhà vườn còn làm thêm việc khoanh vỏ. Sự khoanh vỏ nên làm thận trọng vì khi mạch bị chận lại, hệ thống rễ sẽ thiếu dinh dưỡng, nếu lạm dụng thái quá cây có thể chết.

9. Phòng trừ sâu bệnh:

Phun hóa chất:

– Thuốc trừ sâu bệnh: quả chôm chôm hay bị sâu đục quả, ruồi đục quả, và giống như nhiều vùng trồng chôm chôm khác trên thế giới là bị bệnh phấn trắng nghiêm trọng, tại Long Khánh bà con gọi là bệnh “râu kẽm”. Chùm quả bị nhiễm bệnh sẽ bị rụng hoặc còi cọc như vậy cần sử dụng thuốc trừ nấm để phun lên quả ngay ở giai đoạn còn non.

– Chống hiện tượng quả bi: Các chất điều hòa tăng trưởng được dùng khá phổ biến ở Thái Lan trên cây chôm chôm (ở nước ta vùng trồng sơ ri ở Gò Công Đông đã dùng nhiều). Có hai loại bông được sinh ra trên các cây khác nhau: Bông đực và bông lưỡng tính.Vì bông đực không thể cho quả nên các người trồng tỉa có khuynh hướng loại bỏ cây đực qua công việc chọn giống, ghép cây… Điều này dẫn đến không đủ nguồn hạt phấn để thụ cho các hoa lưỡng tính. Trong một số trường hợp hiện tượng quả điếc, hay còn gọi là “quả bi” xuất hiện những quả này có rất ít thịt. Để khắc phục hiện tượng này tại một số vùng trồng tại Thái Lan người ta phun chất NAA (naphthalene acetic acid). Nồng độ biến động từ 40-160 mg/lít (40-160 ppm) phun ở giai đoạn nụ trước khi bông nở. Khi quả đã thụ rồi để tăng kích thước quả cho chôm chôm rongrien, người ta lại phun NAA ở nồng độ 125 ppm (125 mg/l), nếu dùng đặc hơn quả sẽ bị nhỏ lại.

10. Thu họach và bảo quản:

* Thu hoạch:

– Thu hoạch lúa 90% trái trên cây đã chuyển sang màu vàng, vàng đỏ hoặc màu đỏ tùy theo giống chôm chôm.
– Tùy theo thời giá có thể thu hoạch sớm hoặc trễ hơn 10 ngày.
– Thu hoạch lúc trời mát.
– Dùng kéo cắt từng chùm. Các chùm trên cao có thể dùng thang hoặc dùng móc kéo. Thu hoạch lúc trời mát.
– Không để quả dính đất, dính bụi.
– Không để ánh nắng chiếu vào quả.
– Chọn nơi thoáng mát, trải đệm cói hoặc lá chuối khô, chất một lớp mỏng chôm chôm lên phía trên.

* Cắt tỉa:

– Dùng kéo mũi nhọn tỉa bỏ những trái sâu, trái teo, thối, khô trên chùm chôm chôm.
– Dùng kéo sắc cắt bỏ các lá chôm chôm tránh làm mát nước
– Cắt bỏ phần cuống quá dài. Cuống chỉ chừa 20 – 30 cm.

* Làm sạch:

– Hạn chế tối đa việc cọ rửa vì có thể làm dập chôm chôm
– Chỉ rửa những trái bị kiến, rệp, dính đất. Dùng vòi nước có áp lực mạnh xịt vào trái. Sau đó rửa lại bằng nước mưa.

* Đóng gói:

– Xếp trái vào cần xé hoặc rổ nhựa được lót lá chuối tươi hoặc lá sen tươi để giữ ẩm và tránh làm dập chôm chôm. (20 kg/cần xé hoặc 10 kg/rổ nhựa).
– Phủ kín cần xé bằng lá chuối tươi hay bao ẩm.
– Đặt chôm chôm nhẹ nhàng vào cần xé hoặc rổ nhựa. Một lớp cuống trái quay vào giữa, lớp sau cuống trái quay ra ngoài.

* Vận chuyển:

– Tránh lắc xốc khi vận chuyển
– Bảo đảm chôm chôm được thông thoáng khi vận chuyển
– Phun nước thường xuyên khi chôm chôm bị khô

* Bảo quản:

Chôm chôm được bảo quản tốt nhất trong các chum, vại bằng sành. Chum có thể giữ ẩm và mát khi ta đặt chúng vào trong chậu có đựng ít nước. Nước sẽ thấm qua thành chum và bay hơi làm mát trong chum. Do đáy chum bị ướt nên cần lót một lớp bẹ chuối hoặc vỉ tre hoặc các vật liệu khác để trái không bị ướt.