Chat hỗ trợ
Chat ngay

Sâu bệnh hại cây đỗ quyên

Xin cảm ơn!

Bệnh đốm nâu

Đây là bệnh phổ biến trên đỗ quyên ở nước ta, tác hại là làm cho lá rụng.

Triệu chứng

Ban đầu lá xuất hiện các chấm màu nâu đỏ. Sau đó lan rộng dần thành hình tròn hoặc nhiều cạnh đường kính 1mm-5mm, màu nâu đen, giữa có đốm màu trắng xám. Đốm bệnh mặt trên sẫm hơn mặt dưới lá, trên đốm có các chấm mốc đen.
bệnh đốm nây trên cây đỗ quyên

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đốm nâu trên cây đỗ quyên do nấm bào tử đuôi (Cercospora rhododendri Ferraris) thuộc lớp bào tử sợi gây ra. Nấm bệnh qua đông trên lá bệnh hoặc xác cây nhiễm bệnh. Sang xuân nấm bắt đầu phát triển, lây lan nhờ gió và mưa. Bệnh nặng vào tháng 4-7 hàng năm.

Biện pháp phòng trừ

  • Gom đốt lá bệnh làm giảm nguồn lây.
  • Mùa hè cần đặt cây nơi thoáng gió và đủ sáng, tránh nơi có độ ẩm quá cao.
  • Khi cây phát bệnh phun thuốc Daconil hoặc Bavistin 0,2% hoặc Topsin 0,1%.

Bệnh khô lá

Triệu chứng

Chủ yếu phát sinh trên lá già. Lá sẽ bị khô từ ngọn trở vào khoảng 1/3 tới 2/3 diện tích. Đốm bệnh màu vàng, mép đốm có viền nâu đen, trên đốm có nhiều chấm đen.
bệnh khô lá trên cây đỗ quyên

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh khô lá trên cây đỗ quyên do nấm bào tử lông roi gây ra. Tên khoa học của chúng là Pestalotia rhododendrri Guba, thuộc lớp bào tử xoang, bộ đĩa bào tử. Nấm bệnh xâm nhập vào cây qua vết thương do côn trùng chích hút. Bệnh nặng làm cho lá rụng, cây yếu, hoa ít.

Biện pháp phòng trừ

  • Mùa hè cần đặt cây nơi thoáng gió và đủ sáng, tránh nơi có độ ẩm quá cao.
  • Gom đốt lá bệnh làm giảm nguồn lây.
  • Khi cây phát bệnh phun thuốc Daconil hoặc Bavistin 0,2% hoặc Topsin 0,1%.

Bệnh phồng lá

Triệu chứng

Bệnh phát triển trên lá non và chồi non. Trên mặt lá có bột màu xanh nhạt, sau lõm xuống hình tròn đường kính 3mm-12mm. Mặt sau lá dày lên, uốn cong màu nâu đỏ. Mặt trên phủ một lớp bột màu trắng. Lá rụng.
bệnh phồng lá trên cây đỗ quyên

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh phồng lá đỗ quyên do nấm đảm ngoài (Exobasidium japonicum Shirai.) thuộc lớp nấm tầng, bộ nấm đảm ngoài gây ra. Trên phần bị bệnh có lớp bột màu trắng, đó chính là tầng đảm và bào tử đảm. Nấm qua đông bằng sợi nấm trên mô bệnh. Mùa xuân bắt đầu lây lan, phát triển mạnh nhất trong tháng 3-5.

Biện pháp phòng trừ

  • Triệt để thu và đốt lá bệnh
  • Phun Boocdo 1% để phòng ngừa. Khi phát bệnh rồi thì phun hợp chất lưu huỳnh+vôi 0,3-0,5oBe (tương đương 1 giọt thuốc lũa pha 20 giọt nước); phun 3 lần cách nhau 10 ngày. Phun vào chiều mát và sáng hôm sau xịt nước sạch rửa lá.

Bọ xít lưới hại đỗ quyên

Đặc điểm sinh học

Tên khoa học của bọ xít lưới là Stephanitis pyrioides Scott, thuộc bộ cánh nửa, họ bọ xít lưới. Chúng chích hút nhựa cây tạo thành các đốm trắng làm ảnh hưởng tới sự quanh hợp của cây. Sâu trưởng thành nhỏ dẹt, dài 3,65 mm, rộng 2mm, màu nâu đen, mảnh lưng trước ngực phát triển, có hoa vân dạng lưới. Khi vũ hóa có màng cánh trong, phủ đầy hoa văn dạng lưới. Kích thước con đực và con cái như nhau, chỉ có là con cái bụng tròn, con đực bụng hình trứng.
Mỗi năm sinh sản 10 lứa, qua đông bằng sâu trưởng thành và sâu con. Chúng thường ăn tập trung, đẻ trứng trên lá. Thời kỳ trứng kéo dài khoảng 12-20 ngày. Thiên địch của bọ xít là chuồn cỏ và nhện. Nếu mỗi cây có 4-5 con chuồn cỏ thì không cần phòng bệnh.
bọ xít lưới hại đỗ quyên

Phương pháp phòng trừ

  • Bắt giết bọ xít khi số lượng ít.
  • Khi phát bệnh dùng thuốc Rogor hoặc Sumithion 0,05% hoặc DDVP hoặc Phoxim 0,1%.
    • Bón Furadan vào đất có thể ngăn bọ xít phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *