Chat hỗ trợ
Chat ngay
Rừng bonsai

Rừng bonsai

Xin cảm ơn!

Lý thuyết

Lý do kiến tạo rừng bonsai

Hết sức thực tế để nói ngay với các bạn rằng: hầu hết những khu rừng Bonsai được kiến tạo do một trong hai lý do dưới đây:
1. số cây sửa soạn cho bonsai quá chậm lớn, đưa vào rừng bonsai chủ nhân của đám cây sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, đỡ sốt ruột hơn trong chờ đợi. Người Nhật và Âu Mỹ thường đưa cây Beech (Fagus ) vào Rừng vì lý do này.

2. Một hoặc hai cây có thành phẩm bonsai bị một lỗi khó sửa. Nếu đưa cây này vào rừng, lỗi sẽ được xóa.

Hoặc các bạn cũng có thể tổng hợp cả hai lý do trên để đưa một số cây nhiều cỡ cùng chủng loại hoặc khác chủng loại vào một khu rừng bonsai.

Một câu hỏi thường được đưa ra là: Có cần phải thực hiện khu rừng với cùng một chủng loại cây?

Trả lời: không có quy tắc nào cấm bạn thiết lập một khu rừng nhiều chủng loại cây. Có điều, một thực tế là rừng nhiều chủng loại sẽ khó chăm sóc (vì mỗi cây một kiểu, một chế độ phân bón, nước nôi). Và điều khó nhất là: các khác chủng loại dễ xảy ra tình trạng “lấn át lẫn nhau mà chết” hơn là rừng một chủng loại.

Luật phối cảnh: căn bản kiến tạo rừng bonsai

Phần căn bản nhất để kiến tạo một cụm rừng Bonsai dựa trên luật phối cảnh. Khi nói đến từ “RỪNG” là chúng ta cảm nhận 2 ý niệm: nhiều và sâu.

Chuyện về chữ nhiều thì khỏi phải bàn, các bạn hẳn đã thấy ngay.
Nhưng nhiều là bao nhiêu?
Dĩ nhiên nhiều là hơn 1. Nhưng nếu chỉ là 2 thì e chưa đủ sức thành rừng. Nên có lẽ số 3 là tối thiểu số cây cần có để tạo lập khu rừng. Đúng câu ông bà ta vẫn nói: ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Nếu bạn đặt tác phẩm bonsai ba cây Thông dưới đây vào một khung cảnh thích hợp, bạn có thể dễ dàng tưởng tượng được ngay bạn đáng đứng ngắm mấy cây Thông ở một cụm rừng đầu non.
ba cây thông khiến ta liên tưởng tới một cụm rừng đầu non
Trong khi một tác phẩm bonsai cả mấy chục cây dưới đây mà bảo là một tác phẩm “rừng” thì quả là khó tưởng tượng nổi.
một tác phẩm tiểu cảnh rừng chưa đạt thẩm mỹ
Như vậy, số cây để tạo một khu rừng bonsai không phải là một vấn đề quan trọng. Bạn muốn dùng bao nhiêu cây cũng được. Không có một luật nào bắt bạn phải có số lượng như thế nào.
Tuy nhiên, nếu bạn tin vào chuyện: số 4 là tử, số 8 là thiếu may mắn …và bạn tránh xài thì tùy bạn.

Vấn đề chính của của rừng nằm ở: chiều sâu.
Và đồng thời, vấn đề chiều sâu sẽ kéo theo một số chuyện liên quan:

  • Sức mời gọi của khu rừng.
  • Nét bí hiểm của khu rừng.

Nghĩa là, việc đầu tiên chúng ta cần quan tâm trong việc kiến tạo Rừng bonsai là phải tạo được chiều sâu của khu rừng.
Trước khi đi vào giải thích cụ thể, mời bạn làm quen với vài khái niệm về luật phối cảnh như sau:
a. Điểm cuối mắt

Khi các bạn thực hiện kiểu rừng có một lối đi xuyên rừng (mình gọi là kiểu rừng nhìn dọc). Lối đi này có thể rõ ràng, hoặc mờ mờ lá phủ…tùy bạn, cuối đường sẽ thường là điểm cuối mắt (vanishing point).

Tức là điểm mà những vật thể càng gần điểm này sẽ càng nhỏ, và nếu bạn chỉ còn thấy cái ngọn hay đỉnh của vật thể thì có nghĩa là vật thể đó vừa đi hơi quá điểm cuối mắt và “tụt xuống ” dốc trước khi biến mất (vanishing).

Giống như các bạn hay thấy đạo diễn xử dụng kỹ thuật này để nhấn mạnh: một người giã biệt ra đi mà hy vọng trở lại rất nhỏ. Tới cuối đường, người đó nhỏ dần và mất dần chân, mình, rồi chỉ thấy cái nón đội đầu trước khi biến mất.

b. Đường chân trời

Chúng ta chưa đề cập đến đường chân trời , nhưng mục kế tiếp các bạn sẽ thấy liên hệ giữa đường chân trời và góc nhìn khu rừng .

c. Đường cong cận cảnh

Tính mời gọi mắt người xem “xuyên rừng” hay không là do đường cong cửa rừng này có “ngọt” hay không.

Các bạn thấy là không nên bằng phẳng, lộ liễu, nhưng cũng không nên đá mỏm nhấp nhô khiến mắt người xem bị ngập ngừng. Ngay trong những tác phẩm tiểu cảnh, đường cong cận cảnh (Curvilinear perspective line) này rất quan trọng và được diễn tả vụng hay khéo sẽ đưa đến những cảnh tượng khác nhau.

Thường thì mắt người xem sẽ tiến vào điểm lõm nhất của vòm cong này. Do đó, chúng ta cần điều chỉnh sao cho vật thể ở điểm cuối mắt sẽ thấp thoáng. Tức là mắt người xem phải hơi nghiêng qua nghiêng lại (từ A qua B, như hình đồ dưới) mới thấy được vật thế bé xíu ở điểm cuối rừng.
luật phối cảnh
luật phối cảnh
Có như thế , nét rừng của các bạn sẽ sinh động hơn. Chứ mà rõ mồn một như rừng dưới đây thì chả có gì phải xem lâu. Mặc dù rừng cây si này cũng không tệ, nhưng giá được thêm vài chi tiết phụ kiện nữa thì hay hơn nhiều. Câu hỏi mở cho bạn là bạn thử nghĩ xem nên cần những gì?
tác phẩm rừng Golden Gate Forest của Robert Kempinski

Để minh họa cụ thể, giả sử bây giờ chúng ta xếp ba cành cây này ngang nhau trước mặt. Các bạn có thể tưởng tượng đó là 3 cây: cây lớn (cao nhất), cây vừa và cây nhỏ.
Các bạn thấy được điều gì?
Chả có gì cả. Chỉ là ba cây đứng gần nhau.
3 cây xếp thẳng hàng nhau trong tác phẩm rừng bonsai
Nếu bây giờ bạn dời cây vừa bên tay phải ra đằng sau cây lớn nhất một chút xíu, bạn thấy chuyện gì xảy ra?
3 cây xếp không thẳng hàng nhau
Có vẻ như không mấy khác biệt với hình đầu tiên phải không bạn? Lý do vì khoảng cách giữa ba cây có vẻ bằng nhau (theo chiều ngang). Nếu bạn dời thêm cây nhỏ xíu bên trái ra sau một chút, và khoảng
ngang giữa ba cây vẫn gần bằng nhau, bạn thấy một chút gì đó thay đổi về chiều sâu nhưng chưa rõ nét.
3 cây xếp không thẳng hàng trong tác phẩm rừng bonsai
Bây giờ bạn đưa cây nhỏ bên trái tới gần cây lớn (theo chiều ngang) bạn sẽ thấy chiều sâu đã biến đổi khá nhiều.
3 cây cấu tạo nên tác phẩm rừng bonsai
Thực sự thì khoảng cách về chiều sâu giữa 3 cây (nhìn từ trên xuống) có hơn nhau bao nhiêu đâu.
tác phẩm rừng nhìn từ trên xuống
Để nhấn mạnh chiều sâu của tác phẩm hơn nữa, ta sẽ thêm vào vài viên đá. Những viên đá được đặt giữa cây lớn và cây vừa, để giúp cho mắt bạn phân định được: cây vừa đứng sau tảng đá, tức là bạn cảm được rằng cái cây vừa nó cũng cao như cây lớn thôi. Có điều nó ở hơi xa (sau tảng đá) nên nó nhìn hơi thấp. Còn một viên đá cuội nhỏ, bạn để gần cây bên trái. Vì cây bên trái quá nhỏ và viên đá cũng nhỏ, dễ cho bạn liên tưởng tới một cái cây ở thật xa (xa đến độ chả sao phân biệt được cành với lá). Còn viên đá nhỏ sẽ như một mỏm núi cuối chân trời vậy.
Đến đây thì chắc các bạn đã có ít ý niệm về chiều sâu của đám cây do cỡ lá, do chiều cao của cây và do khoảng cách giữa chúng tạo cho bạn “cảm giác sâu” nhiều, ít.
thêm đá vào tác phẩm rừng để tạo chiều sâu cho tác phẩm rừng

Các thành phần căn bản của rừng bonsai

Để dễ dàng tạo được chiều sâu cho tác phẩm Rừng bonsai, người ta thường dựa vào kiểu dáng của ba cành mà mình ví dụ ở trên.

Người ta đặt tên: cây chủ, cây phụ tá và cây khách. Đó là những danh từ thường dùng khi kiến tạo hòn non bộ, tiểu cảnh.

Với cây, chúng ta có thể dùng hình ảnh gia đình để dễ thể hiện hơn: Chồng, Vợ và Con Trai.

Đó là hình ảnh của ba cây chủ lực trong cụm rừng. Bất kỳ cụm rừng bạn thiết kế có bao nhiêu cây chăng nữa, thì không có cây nào cao hơn, lớn gốc hơn, lớn thân hơn ba cây chủ lực trên.

1. Cây chủ
Dĩ nhiên, trong ba cây trên, cây chủ rừng sẽ là cây to nhất, cao nhất và đẹp đẽ hùng vĩ nhất. Vóc dáng và thế đứng của cây sẽ bao trùm toàn khu rừng. Dĩ nhiên, trên thực tế, các cành nhánh của cây chủ chỉ bao trùm một phần khu rừng. Nhưng ở mặt tinh thần của khu rừng, cây chủ phải đủ uy lực thống lĩnh. Có như thế, khu rừng của bạn mới có hồn được.

Sở dĩ mình nói với các bạn được như thế vì đó là “thói quen sinh tồn” của “giới động vật”. Hễ cứ có bầy, có đàn là sẽ có”một anh đầu đàn”. Với thói quen đó, khi chúng ta (ở giới động vật) ngắm nhìn “đám cây” (giới thực vật), thường cũng áp dụng luôn “chính sách đầu đàn” cho giới thực vật. Vô hình chung, chúng ta dễ có quan niệm với đám cây đều đều như nhau: không đầu đàn, không kỷ cương, không đáng xem!

Tuy nói là uy lực bao trùm khu rừng, thế nhưng sức thống lĩnh của cây chủ cũng chỉ nên khoảng 45-50%. Nếu sức mạnh của cây chủ quá lớn, tạm gọi là 90% (các bạn chịu khó cảm nhận vấn đề này), lúc đó toàn bộ những cây chung quanh cây chủ chỉ còn giá trị như một đám cỏ lau quanh cây chủ.

2. Cây phụ tá
Nhiệm vụ của cây số 2 rất nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng y hệt như các bạn thấy nhiệm vụ của người phụ nữ thời xưa. Tức là lúc nào người vợ cũng đứng khuất sau đức phu quân của mình. Rất hiếm khi người vợ lộ diện khi đã có ông chồng đứng mũi chịu sào.

Thế nhưng, rồi các bạn sẽ thấy trong khu rừng, nếu không có cây số 2 để so sánh, Để làm “vật đối chứng”, các bạn khó thấy được sự to cao, uy mãnh, hùng vĩ của cây chủ.

3. Cây khách
Tuy nhỏ bé nhưng không có cây số 3, khu rừng sẽ không có chiều sâu. Rất nhiều tác phẩm “rừng bonsai” đã để mất chiều sâu vì thiếu cây số 3 bé bỏng này.

Trong vấn đề số lượng cây tạo rừng bonsai , chúng ta cần để ý tới 2 tư tưởng: Đông phương và Tây phương.

Trong thiết kế cụm rừng bonsai, tư tưởng Tây phương chỉ cần mục đích tạo được một khu rừng hợp lý, có chiều sâu. Kế đến, tính cách mỹ thuật, cân đối, tỷ lệ….theo sau. Số lượng cây không thành vấn đề. Do đó, người chơi bonsai Âu Mỹ họ chỉ gọi cây 1, cây 2, cây 3 và các cây phụ. Thế là đủ cho khu rừng.

Trong tư tưởng Đông phương, vấn đề có vẻ không đơn giản chỉ như vậy. Ngoài vấn đề kiêng cữ những con số không tốt, người chơi bonsai Đông Phương thường có thêm chút tham vọng gởi gắm vào tác phẩm rừng của mình một hình thức “Đại gia đình”. Ít thì “Tam đại đồng đường” nhiều thì “Ngũ đại đồng đường”.

Tức là một tác phẩm rừng bonsai sẽ có mặt cây chủ (tượng trưng ông nội), cây 2 (tượng trưng bà nội), cây 3 (tượng trưng con trai cả) và cứ thế ….mỗi cây là tượng trưng cho một thành viên của ước muốn
“Đại gia đình” (tam đại hay ngũ đại) của chủ nhân khu rừng. Khu rừng sẽ đầy đủ ông bà con cháu chắt.
tác phẩm rừng goshin của cụ john naka

Tác phẩm rừng goshin của cụ John Naka gồm 11 cây tùng kim, như cụ nói đó là tượng trưng cho 11 người trong gia đình cụ

Vì thế, thường thì những khu rừng bonsai của các tác giả Đông Phương thực hiện rất dễ bị rối nếu không để ý tuân thủ một số quy tắc thiết kế Rừng. Thường thì chủ nhân khu rừng khi tạo tác dễ bị ý nghĩa “Đại gia đình” lấn át phần kỹ thuật tạo chiều sâu, cùng nghệ thuật tạo nét thần cho khu rừng.

Từ những dẫn giải ở trên, ta có thể có 3 kiểu rừng cơ bản như sau:

a. Kiểu số 1
Những ô vuông trong đồ hình bên dưới tượng trưng cho những tảng đá. Tuy chúng chỉ là phụ kiện nhưng có một số tác dụng tốt đối với mục đích tạo chiều sâu cho tác phẩm như ví dụ bên trên.
kiểu rừng bonsai cơ bản số 1
b. Kiểu số 2
Các bạn nên để ý kỹ kiểu số 2 này. Hiện nay theo mình thấy, không hiểu sao rất nhiều vị thích thực hiện rừng ở kiểu 2 trong các tác phẩm trưng bày hoặc qua sách vở, tạp chí.
kiểu rừng căn bản số 2
c. Kiểu số 3
Ở kiểu số 3, cây số 3 chạy tuốt ra ngoài cùng bên tay phải. Những bạn nào thích lập rừng cho ý tưởng “ngũ đại đồng đường” thì hẳn là nên dùng kiểu này. Nghĩa là, cây số 1 và số 2 đứng cạnh nhau. Chồng trước vợ sau, và chung quanh một lô con cháu chắt chút.
kiểu rừng bonsai cơ bản số 3

Tầm xa

Hiểu được cái gì tạo nên cảm giác về tầm xa của khu rừng thì bạn sẽ tạo được một tác phẩm có tính thống nhất, không bao giờ bị người xem phê phán về tính hợp lý của tác phẩm.

Tại sao vậy? Ví dụ ta phân ra làm 3 khoảng cách 200m (xa), 100m (trung bình) và 20m (gần ngay bìa rừng) chẳng hạn; bạn sẽ thấy sự khác biệt lớn về mức độ chi tiết của cành lá, rễ, các đường gân trên thân, cỏ, vỏ cây v.v Nếu tầm nhìn càng xa thì ta chỉ thấy thân chính và tán lá, lá rất nhỏ gần như không phân biệt được rõ các lá với nhau, tác phẩm sẽ không trồng cỏ mà chỉ trồng rêu (tượng trưng cho cỏ)
Ví dụ cụ thể:
tác phẩm rừng goshin của cụ john naka

trong tác phẩm rừng Goshin này tầm nhìn là gần bởi ta thấy rõ rễ lồi lên khỏi mặt đất và quan sát thấy một chút mặt bên dưới của tán lá

tác phẩm rừng của Robert steven đăng trong cuốn vision of my soul

trong tác phẩm rừng này tầm nhìn là xa bởi ta không thấy phần gốc rễ rõ rệt, không thấy mặt dưới tán lá, không thấy rõ vỏ thân v.v

Những điểm có thể làm hỏng cụm rừng bonsai

Khá nhiều chỉ tiết có thể dễ dàng làm mất đi nét rừng của một tác phẩm rừng bonsai. Sau này, khi các bạn thích thú với việc kiến tạo rừng bonsai, các bạn sẽ từ từ khám phá thêm nhiều chi tiết gây hỏng khu rừng. Hiện giờ, mình chỉ mới thấy được vài điểm sau đây để trình bày tới các bạn.

a. Rừng không cây chủ
Trên thực tế, có những cánh rừng không chủ. Nhưng khi bạn muốn thực hiện một cánh rừng như thế, bạn cũng cần tạo cho người xem một điểm khởi đầu.
Bạn thử nhìn cánh rừng ngoài thiên nhiên này xem.
rừng công nghiệp
Tuy rằng cánh rừng này trông sàng sàng nhau về độ lớn các cây, nhưng khi bạn đưa ý này vào bonsai, bạn cũng nên tạo độ nhấp nhô (do mặt đất nhấp nhô ) và dùng một cây hơi hơi hơn những cây khác chút xíu đặt ở vị trí khởi điểm của tầm nhìn.

Người Nhật gọi lối làm rừng này gọi là: “Trồng cây cả nắm ” (Tsukami-uye). Theo mình, thực sự kiểu rừng này là để giải quyết số cây ươm quá nhiều không đủ sức ra chậu riêng từng cây (?).
Hình đồ do Cu John Naka vẽ cho kiểu rừng cả nắm:
kiểu rừng cả nắm của người nhật do cụ john naka vẽ phác thảo
Chính Cụ John cũng thử thực hiện kiểu rừng trên bằng cách ươm hàng ngàn cây Sweetgum từ cây mọc trước nhà (khoảng năm 2000 ) . Việc này có đăng ở trong bản tin Golden Statement, nhưng rồi sau đó ra sao, không thấy ai nói tới.

Tóm lại, theo mình, mình không thích kiểu rừng trên, những cánh rừng không có cây chủ lực sẽ không tạo được thế rừng.
Thì các bạn cứ bước chân vào rừng cao su thử xem có gì hay ho?
Như mấy khu rừng sau đây trên internet chả hạn.
kiểu rừng không có cây chủ lực

b.Cây chủ quá mạnh
Ngược lại với trường hợp không rõ cây chủ, nếu cây chủ quá mạnh khiến lấn lướt tất cả những cây trong cụm rừng thì nét rừng của tác phẩm cũng giảm hẳn, trông mấy cây phụ nó chỉ như đám cây bụi loe ngoe bên cạnh cây cổ thụ mà thôi. Bạn thử xem khu rừng này coi sao.
tác phẩm rừng bonsai có cây chủ quá mạnh

c. Cây chủ cây khách nhập nhằng
Nghĩa là hai cây số 1 và số 2 không phân biệt được. Coi như rừng 2 cọp là không ổn rồi. Trường hợp này rất dễ xảy ra. Ví dụ như tác phẩm rừng cây thích Nhật Bản đẹp đẽ dưới đây, bạn có phân biệt được cây số 1 và cây số 2 không?
rừng cây thích nhật bản không phân biệt được cây chủ và cây khách

d. Vùng cửa rừng
Nếu đã là khu rừng nhìn dọc, tức lá có ý mời người xem xuyên rừng, thì khu rừng nên có có một miếng đất trống trước cửa rừng. Người xem sẽ bắt đầu ánh mắt từ miếng đất “đầy tính mời gọi” này để đưa mắt vào cây chủ và sau đó sẽ xuyên qua rừng rồi thoát ở cuối rừng.

Trước khi vào nhà mà có mảnh sân thì vẫn hay hơn là từ lề đường bước tọt vào nhà chứ nhỉ?

Bạn thử ngắm tác phẩm dưới đây xem bạn có “chỗ để xe” trước khi vào nhà không nào:
rừng cây không có lối vào
Thành thử, nên tạo tính mời gọi ngay tại cửa rừng. Bạn nên lưu ý tới cách xếp đặt: đường vòng cận cảnh sao cho tự nhiên là tăng ngay tính mời gọi.

e. Con đường tình yêu
Hầu hết mọi khu rừng đều có một lối đi hoặc một dòng suối, đó là yếu tố gần như là bắt buộc với mọi khu rừng. Nếu con đường thiết kế xấu quá thì làm giảm hẳn vẻ đẹp của khu rừng. Dưới đây là vài ví dụ:
Đường sạn trắng trong tác phẩm dưới đây tượng trưng cho dòng suối. Tuy rằng nước là “tài lộc” nhưng đâm thẳng vào mặt người xem thì có chút khó chịu.
dòng suối giữa rừng đâm thẳng vào mặt người xem
Còn trong tác phẩm dưới đây, con đường đất đỏ có vẻ thẳng quá làm tác phẩm kém hay:
con đường đất đỏ thẳng băng giữa rừng

g. Ven rừng
Đây là điểm ít được giới bonsai để ý nhất khi thực hiện khu rừng. Và đồng thời cũng là điểm gây nhiều tranh luận nhất.

Tất cà là tùy ở mỗi bạn.
Mình chỉ nêu vấn đề, còn thì bạn nào thích kiểu nào, nghĩ kiểu nào có lý thời cứ việc tự nhiên kiến tạo theo ý bạn.

Bạn ngắm thử những khu rừng ngoài thiên nhiên này trước đã.
cảnh bìa rừng
cảnh bìa rừng
cảnh bìa rừng
Vấn đề là: những cây ở ven rừng (nhận nhiều ánh sáng hơn) sẽ mọc nghiêng ra? Hay vẫn mọc thẳng đứng?

Mình thì chịu, không trả lời được. Có chỗ mọc nghiêng ra. Có chỗ vẫn mọc thẳng đứng.Chả hiểu!

Hồi còn trẻ, ông Kimura làm một cụm rừng như thế này.
Thoạt tiên ông Kimura trồng những cây Picea glehnii (một loại Vân Sam) trong chậu cạn vào tháng 3 năm 1981. Vì đa số cây còn non trẻ, ông ta chờ 1 năm sau cho cây bắt đầu phát triển tốt mới ra tay uốn cành vào thế.
tác phẩm rừng của ông kimura
Ý ông ta là tạo một khu rừng Vân sam trên vùng núi Nhật bản theo kiểu rừng cổ điển. Nhưng rồi 2 năm sau đó, ông ta suy nghĩ lại.
Theo ông, khu rừng ở trên quá hoàn hảo nên thiếu tính tự nhiên. Thế là ông ta cắt bớt cành và uốn những cây ngoài biên cho ngả ra ngoài cho “có vẻ tự nhiên hơn”.
tác phẩm rừng của ông kimura
Trên đây là kết quả khu rừng vào năm 1984. Cũng theo ông Kimura: khu rừng vẫn cần theo dõi và sửa đổi cho hợp với tự nhiên hơn nữa. Chứ cứ như trên thì chưa phải là xong đâu.
Không biết ý bạn thế nào? Mình thì thích kiểu rừng thẳng băng ban đầu hơn.

h. Vùng đất ven rừng
Đây không phải là một vấn đề bắt buộc và có vẻ còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên nên để khoảng trống như đồ hình bên dưới là thuận mắt nhất, tức là khoảng cách bên trái là 1 đơn vị thì trước là 2 đơn vị và bên phải là 3 đơn vị.
khoảng trống xung quanh tác phẩm rừng

i. Mối quan hệ giữa các cây
Đừng để một cây nào bị che khuất hoàn toàn phần thân bởi một cây khác. Nhưng nếu cây bị che khuất một phần thân hoặc một phần tán lá cộng thêm cây bị che khuất có độ cao khá thấp so với cây đứng trước nó thì lại là chuyện tốt, nó dẫn tới 1 hiệu ứng rất hay: người xem nghĩ ngay tới việc cây ở sau ở rất xa so với cây đứng trước, tức là tác phẩm có chiều sâu.
Ví dụ bạn thử ngắm tác phẩm rừng goshin này, mấy cái cây nhỏ nhỏ phía sau đó chính là phần tạo ra chiều sâu của tác phẩm đó.
cây nhỏ tạo ra chiều sâu cho tác phẩm

Thực hành

Mời bạn xem các công đoạn để tạo một tác phẩm rừng, mình cá là bạn sẽ muốn bắt tay vào làm ngay!

Quá trình tạo tác phẩm nổi tiếng “rừng Goshin – người bảo vệ linh hồn” của cụ John Naka

(Pitures from Bonsai Techniques II by John Yoshio Naka, 1990 edition. For training purpose only. Các bạn thông cảm hình chụp từ sách nên hơi mờ, nhưng quan trọng là xem quá trình làm của người ta thế nào thôi, cũng không cần chi tiết lắm)
Năm 1953, Cụ John bị hấp dẫn bởi một cây Foemina Juniper trồng bên đường, gần nhà người bạn. Cây cao cỡ 3 mét và có bộ rễ đẹp. Xin được phép, thế là ….
cây lớn nhất trong tác phẩm rừng goshin của cụ john naka khi chưa đánh vào chậu
Trong sách không nói rõ về quá trình đánh bầu, nhưng theo kinh nghiệm riêng của mình thì riêng công đoạn này đã mất 1 năm rồi nếu làm ở xứ nhiệt đới như Việt Nam, đầu tiên là tỉa cành, 6 tháng sau chồi non đã phát già đi thì tỉa rễ rồi lấp đất lại, 6 tháng sau nữa lá già lần 2 thì mới đánh lên đưa vào chậu. Còn ở đây chỉ giới thiệu quá trình đánh bầu của cụ John Naka, có lẽ cụ làm ở xứ ôn đới vào đầu xuân khi cây chuẩn bị phát chồi nên làm liền một mạch được chăng? Đầu tiên là tỉa bớt cành lá.
tỉa bớt lá cây lớn nhất trong tác phẩm rừng goshin trước khi đánh bầu
Cắt luôn cái ngọn và xé tuột vỏ xuống luôn để mai mốt làm Jin phần ngọn
cắt ngọn cây lớn nhất trong tác phẩm rừng goshin
Tiếp theo là đánh bầu đất
đánh bầu đất cây lớn nhất trong tác phẩm rừng goshin
Cây được trồng vào thùng to trong chậu.
trồng cây lớn nhất trong tác phẩm rừng goshin vào chậu
Cây cứ được trồng riêng lẻ như thế trong chậu, tới năm 1963 cây đã phát triển tốt (10 năm! lâu quá vậy)
cây lớn nhất trong tác phẩm rừng goshin được trồng riêng lẻ trong chậu cạn
Tới năm 1964, cành nhánh của cây chính được tỉa ngắn lại trước khi đưa vào rừng.
tỉa ngắn tàn lá của cây chính trước khi đưa vào rừng
Năm 1964, cùng với 6 cây Foemina Juniper nữa, Cụ John lập một khu rừng 7 cây. Đến năm 1969, khu rừng được đặt tên là “Goshin” (tiếng Nhật có nghĩa tương tự như “ông thần giữ rừng”). Rừng Goshin (7 cây) được chụp năm 1969.
Và đến năm 1973, Cụ John thêm vào đó 4 cây nữa cho đủ số 11 người trong đại gia đình của Cụ. Đến năm 1990 thì Goshin có hình như dưới đây.
rừng goshin năm 1990
Bạn thấy đấy! Phải 20 năm Cụ John mới làm xong khu rừng Goshin (1953-1973). Và từ 1973, Cụ phải chờ thêm tới 17 năm nữa thì Goshin mới thực sự khởi sắc. Tổng cộng 37 năm! (1953-1990).
Tới năm 2003 thì nhìn tác phẩm đã lộng lẫy lắm rồi, tàn lá đã sung mãn hơn nhiều so với hồi năm 1990.
tác phẩm rừng goshin năm 2003
Và cuối cùng là clip ghi lại quá trình thay đất cho tác phẩm rừng goshin của cụ John Naka.

Tác phẩm rừng trên triền núi của ông Kimura

(Pictures from Bonsai Today n.93, 2004, Sub title KIMURA for training purpose only.)
Đầu tiên ông kiếm 2 miếng đá rồi cưa, xẻ rãnh, gắn dây. Ông dự trù khi khớp với nhau, hai miếng đá sẽ tạo góc 90 độ.
2 mảnh đá dùng để ghép thành đồi cây
Những cây cho cụm rừng triền núi vốn là hai cụm rừng trong hai chậu bonsai.
cây được dùng để trồng lên tác phẩm đồi tùng
cây được dùng để trồng lên tác phẩm đồi tùng
Cây được ướm thử trên “chậu”
cây được ướm thử trên đồi
Và khu rừng triền núi đã hoàn thành như thế này. Có vẻ như tác phẩm hơi ngắn?
tác phẩm đồi tùng của ông kimura
Sau đó ông đã chỉnh lại cho 2 viên đã choãi ra khoảng 120 độ khiến cho cụm rừng dài thêm một chút.
tác phẩm đồi tùng của ông masahiko kimura
Bạn có thấy điểm nhấn của tác phẩm này là bãi cỏ dưới chân đồi. Ông Kimura thấy rằng điểm nhấn này không đủ mạnh về mặt màu sắc để gây ấn tượng, nên ông đã chuyển điểm nhấn của tác phẩm sang dòng suối cạn màu trắng. Lúc này thì khu rừng đã thực sự gây ấn tượng tốt.
tác phẩm đồi tùng của ông masahiko kimura

Tìm nét đẹp trong tác phẩm rừng của cụ Saburo Kato

Hình chụp từ sách ra nên hơi mờ, mong các bạn thông cảm
rừng của cụ saburo kato
Để mình mô tả sơ bộ cấu trúc của khu rừng trước. Những mũi tên vàng là trỏ vào 3 cây, cây chủ, cây phụ tá và cây khách. Từ 3 cây chính đó phát triển thêm một lô các cây con con khác. Cả khóm rừng được trồng trên một địa hình cong cong, cộng thêm khóm cây phụ tá ẩn hiện đằng sau nhắc nhở chúng ta: “còn sâu xa lắm, đây mới là đỉnh đồi thôi”.
Tác giả không tạo một con đường thật sự bằng cát, bằng sỏi, bằng đá trắng v.v nhưng người xem dễ phát hiện ra một con đường duy nhất đi xuyên qua rừng nhờ nghệ thuật sắp đặt các đối tượng. Đó là con đường giữa viên đá và lùm cỏ, quanh co trong rừng và mất hút phía bên phải cái đám xanh xanh (vòng tròn đỏ) đằng sau khu rừng.
Đám cây (hình chữ nhật xanh dương) phía trước chính là những cây tùng mà người ta thường trồng trước cổng và đặt cho chúng cái tên: Nghinh khách tùng (Welcoming Guest Pine). Đây là 1 điểm đặc sắc của khu rừng mà bố con cụ Kato đã thực hiện 75 năm về trước.
Tác phẩm này thiết kế theo kiểu “ngũ đại đồng đường”, chồng trước vợ sau và xung quanh một lô con cháu chắt. Bạn thấy sao? Có tức không khi mà những triết lý nhân sinh của người Nhật ẩn trong tác phẩm được cả thế giới chấp nhận và thậm chí còn thích thú khi khám phá, còn những triết lý của người Việt ta ẩn trong tác phẩm thì chưa có mấy người khám phá, thậm chí ngay giữa những người Việt với nhau còn có ý kiến bất đồng sâu sắc. Mình đang cố nghĩ, hi vọng bạn cũng nghĩ cùng mình, là làm sao để thế giới cũng thích thú với cây của Việt Nam như cây Nhật. Chứ như bây giờ, phân chia phong cách nam rồi phong cách bắc, rồi cây cảnh nghệ thuật rồi bonsai, rồi riêng một định nghĩa chữ rừng thôi cũng tranh cãi chẳng ai chịu ai, rồi bộn bề cuộc sống chen vào, thật là buồn thối ruột. Bạn nghĩ sao? Bạn sẽ làm sao?
rừng bonsai của cụ saburo kato
Tác phẩm của cụ Kato có ít nhất 1 điểm chưa hay lắm, thật ra đó không phải lỗi của cụ. Nếu bạn nói được điểm đó mình sẽ phục bạn lắm lắm

Tham khảo từ nguồn caycanhvietnam, tác giả Vũ Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *