
Mô tả
1. Giới thiệu chung về cây điều
Cây điều hay còn gọi là Đào lộn hột, tên tiếng Anh là Cashew, tên khoa học là Anacardium occidentale L. Điều có nguồn gốc từ vùng Đông Bắc Brasil, được nhập về châu Á và châu Phi trong giai đoạn năm 1560 – 1565. Hiện nay, loài cây này trở thành cây công nghiệp được phát triển ở khắp các khu vực khí hậu nhiệt đới ở châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Úc để lấy nhân hạt chế biến làm thực phẩm.
Ở Việt Nam, cây điều du nhập vào Việt Nam từ những năm 1980, sau đó được chọn là loại cây công nghiệp đa mục đích, phủ xanh đất trống đồi trọc, được trồng rộng rãi ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ (vùng được coi là có điều kiện sinh thái và sản xuất ổn định và phù hợp nhất với cây điều), Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.
Thời vụ: Ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thích hợp trồng vào khoảng đầu tháng 6 đến cuối tháng 7; vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ vào khoảng tháng 9 đến tháng 10. Ngoài ra, có thể trồng trong mùa khô nếu chủ động được nguồn nước tưới tiêu.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nhân hạt điều đứng vị trí hàng đầu thế giới và là nước thứ 3 có diện tích trồng điều lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Bờ Biển Ngà.

2. Canh tác cây điều với Phân bón Miền Nam
2.1. Giống cây trồng, Chuẩn bị đất trồng và Kỹ thuật trồng
– Giống cây trồng: Một số giống điều phổ biến hiện nay được chọn tạo hoặc lai ghép như:
+ Giống điều PN1: Năng suất hạt: 2.500-3.000 kg/ha, 160-180 hạt/kg;
+ Giống điều AB29: Năng suất hạt: 3.500-4.500 kg/ha, 140-150 hạt/kg;
+ Giống điều AB05-08: Năng suất hạt: 3.000-4.000 kg/ha, 140-150 hạt/kg.
– Chuẩn bị đất trồng:
+ Tiến hành đào hố trồng vào đầu mùa mưa, lúc đất mềm, hố trồng có kích thước 60x60x60 (cm). Trộn đều lớp đất mặt với Phân hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P (lượng bón từ 2–3 kg/cây) và Super Lân Long Thành, (lượng bón từ 0,7-1 kg/cây) rồi lấp đầy hố. Sau đó, gom đất mặt xung quanh đắp mặt hố cao hơn mặt đất nền khoảng 10 cm để tránh ngập nước.
– Kỹ thuật trồng:
+ Khi trồng thì đào một hố nhỏ ở giữa hố trồng. Tiếp theo dùng dao sắc nhọn rạch bầu kéo bao ni-lon ra, đặt bầu cây con xuống hố sao cho mặt bầu thấp hơn mặt đất nền khoảng 10-15cm để tránh cây bị xói gốc khi mưa lớn, nén chặt đất xung quanh bầu.
+ Sau khi trồng nên rải thuốc bảo vệ thực vật trên mặt hố để hạn chế kiến, mối phá hoại cây con. Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu thấy cây chết phải trồng dặm ngay, lưu ý chỉ trồng dặm đối với các vườn điều dưới hai năm tuổi.
– Mật độ và thiết kế vườn:
+ Mật độ trồng được khuyến cáo chung là 200 cây/ha, với khoảng cách 8×6 m. Khi cây trên hàng giao tán cần tiến hành tỉa thưa bắt đầu từ năm thứ 7-10 để đạt mật độ khoảng 100-120 cây/ha. Trên những vùng đất cát ven biển và đất nghèo dinh dưỡng như ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, với mật độ ban đầu 400 cây/ha, sau tỉa thưa còn 200 cây/ha.
+ Thiết kế vườn: Vùng đất bằng phẳng và có độ dốc thấp, hàng điều được thiết kế theo hướng Đông Tây. Vùng đồi dốc nên thiết kế hàng theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn đất. Vùng có gió mạnh nên thiết kế hàng cây chắn gió xung quanh hoặc trồng xen kẽ theo từng đường lô trong vườn điều. Cây chắn gió thường là cây lâm nghiệp vì có tốc độ sinh trưởng nhanh, được trồng trước hoặc cùng lúc với điều để tăng cường khả năng bảo vệ và che chắn cho vườn điều.
2.2. Bón phân
a. Giai đoạn kiến thiết cơ bản
– Bón lót khi trồng: sử dụng Supe Lân Long Thành, Phân hữu cơ SFJC Bio–Gold G.A.P và lớp đất mặt trộn đều và cho vào hố đất trồng đã chuẩn bị sẵn.
+ Phân Supe Lân Long Thành (dạng bột hoặc dạng hạt), được sản xuất tại nhà máy Supe Phốt Phát Long Thành – Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam. Sản phẩm khi bón được hòa tan vào nước và cây có thể hấp thụ ngay. Hàm lượng chính chứa 16% P2O5, ngoài ra còn chứa trung lượng lưu huỳnh hàm lượng 10%, hàm lượng Ca là 15%… Tính năng của sản phẩm này là cung cấp cho cây hàm lượng dinh dưỡng lân, trung lượng có tác dụng kích thích ra rễ mới, phân hóa mầm hoa, tăng độ pH cho đất, giải độc hữu cơ và hạn chế yếu tố gây độc môi trường…
+ Phân Hữu cơ SFJC Bio-Gold G.A.P là một sản phẩm của Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam, là dạng phân bón sạch, được sản xuất từ 100% nguyên liệu thực vật, phù hợp trong canh tác G.A.P. Sản phẩm có 55% hữu cơ, đạm tổng hợp từ tự nhiên, Acid Humic, Acid Fulvic, nấm Trichoderma .v.v., góp phần tạo ra hệ sinh thái đất ổn định, gia tăng hiệu quả hoạt động của các yếu tố vi sinh vật có lợi, hạn chế các chủng nấm gây hại, hạn chế rửa trôi các yếu tố dinh dưỡng, kích thích khả năng ra rễ non nhiều hơn, giúp cây trồng có bộ rễ khỏe hơn đồng thời hạn chế sự thoái hóa và bạc màu của đất trồng.
– Bón thúc: Sử dụng Phân bón miền Nam NPK 19-11-7-6S+TE. Đây là sản phẩm NPK dạng một màu, được sản xuất qua máy móc thiết bị tân tiến với dây chuyền tạo hạt hơi nước thùng quay. Hàm lượng chứa trong sản phẩm gồm: Nts:19%; P2O5hh: 11%; K2Ohh: 7%. Ngoài ra, sản phẩm này còn chứa trung lượng lưu huỳnh (S: 6%); vi lượng Bo và kẽm (B: 50 ppm; Zn: 50 ppm). Tính năng của sản phẩm này là cung cấp cho cây dinh dưỡng, đạm, lân, kali, trung lượng và vi lượng; có tác dụng phát triển rễ, mầm chồi, thân, lá, củ và quả.
– Để bón thúc cho cây điều, tùy thuộc vào tuổi cây, lượng bón cho mỗi cây như sau:
+ Năm thứ 1: liều lượng từ 0,5- 0,6 kg/cây.
+ Năm thứ 2: liều lượng từ 0,7- 1,2 kg/cây.
+ Năm thứ 3: liều lượng từ 1,5- 1,7 kg/cây.
– Lượng bón phân trên chia làm 2-3 lần/năm, bón vào mùa mưa, bón quanh gốc theo đường chiếu vanh tán của cây, khi bón nên vùi phân vào đất để cho cây có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ phân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

b. Giai đoạn kinh doanh
– Đợt 1: Bón vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 4 đến tháng 5.
Sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 20-5-5+15S+TE, liều lượng 1,0-1,5 kg/cây. Ngoài ra, có thể bổ sung Phân Hữu cơ SFJC Bio–Gold G.A.P, liều lượng 3-5 kg/cây trong đợt bón này.
– Đợt 2: Bón vào cuối mùa mưa, khoảng tháng 8 đến tháng 9.
Sử dụng Phân bón Miền Nam NPK 16-8-16+9S+TE, liều lượng 0,5-0,7 kg/cây.
Cách bón: Khi vườn điều chưa khép tán nên bón phân theo hình vành khăn, đào rãnh sâu 5-10 cm quanh mép tán sau đó rải đều phân và lấp lại. Khi vườn cây đã khép tán nên đào rãnh giữa hai hàng cây theo ô bàn cờ để bón phân, vùi lấp đất. Đối với những vùng đất dốc thì đầu mùa mưa bón trên phần đất cao và cuối mùa mưa bón trên phần đất thấp của tán.
– Sau mỗi năm, có thể tăng lượng phân từ 7-10% để đảm bảo dinh dưỡng, năng suất và chất lượng cho mỗi mùa vụ.
– Các khu vực Duyên hải Miền Trung thường bón trễ hơn 2-3 tháng.

Trong thời kỳ kinh doanh có thể sử dụng phân bón lá để hỗ trợ các quá trình sinh trưởng sinh thực, cụ thể là:
– Xử lý ra đọt (chồi): Thời kỳ điều ra đọt mới, lá mới: Phun phân bón lá Yogen No2 hoặc Yogen 6 định kỳ 7-10 ngày/lần.
– Xử lý ra hoa: Khi đọt (chồi) đã có 5-6 lá mới: Phun 2-3 lần phân bón lá Yogen 22 hoặc Yogen No4.
– Tăng đậu trái: Khi 80% phát hoa dài hết cỡ, bắt đầu chuẩn bị có hoa nở: Phun 2 lần phân bón lá Yogen 32, Yogen 16 hoặc Yogen 20; nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát hay trời tạnh mưa.

2.3. Chăm sóc cây trồng
a. Về điều kiện sinh thái
– Cây điều phân bố chủ yếu từ vĩ độ 150 độ Bắc đến 150 độ Nam.
– Độ cao thích hợp nhất là dưới 600 m so với mặt nước biển.
– Nhiệt độ: thích hợp khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp từ 27-32°C. Tuy nhiên, nhiệt độ cao trên 35°C ở giai đoạn ra hoa và đậu quả sẽ làm rụng hoa và quả non. Điều ra hoa và tạo hạt thuận lợi trong điều kiện ẩm độ tương đối thấp, tối thiểu 46-56%, tối đa 68-77%.
– Lượng mưa hàng năm thích hợp trong khoảng 1.000-1.500mm và không trùng vào thời điểm cây điều ra hoa, đậu quả. Những vùng có mưa hay sương mù trong thời gian cây điều ra hoa, đậu quả.
– Yêu cầu đất đai: Điều có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất đỏ, đất xám, đất cát, đất thịt, đất laterit. Đất trồng điều phải có tầng canh tác tối thiểu 70cm. Tuy nhiên, điều thích hợp với các loại đất giàu hữu cơ và chất dinh dưỡng, thoát nước tốt, có độ pH từ 5,0-7,3; không trồng điều trên những vùng đất bị úng hay đất nhiễm mặn.
b. Trồng xen
Khi vườn điều chưa khép tán nhằm hạn chế cỏ dại, chống xói mòn và tăng thu nhập. Trồng xen cây ngắn ngày như cây họ đậu, bông vải, dứa, cỏ vetiver và một số cây ngắn ngày có tán thấp khác. Cây trồng xen nên trồng thành băng cách mép tán lá điều khoảng 1-1,5 m. Sau khi tỉa thưa có thể trồng xen cây ca-cao để đa dạng hóa sản phẩm, mật độ cây ca-cao trồng xen đạt 500-520 cây/ha.
c. Tỉa cành vào tạo tán
– Được bắt đầu thực hiện từ năm thứ hai. Việc tạo tán cần được thực hiện thường xuyên hàng năm để vườn cây lâu giao tán, hạn chế sâu bệnh, thuận tiện cho việc xử lý hóa chất bảo vệ thực vật và thu hoạch.
– Trong thời kỳ khai thác cần tỉa cành hai lần trong năm kết hợp với dọn vườn, làm cỏ và bón phân.
+ Tỉa cành lần đầu được thực hiện ngay sau khi kết thúc vụ thu hoạch, kết hợp với làm cỏ và bón phân lần 1. Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tỉa vào tháng 4-5, ở Duyên hải Nam Trung Bộ tỉa vào tháng 6-7.
+ Tỉa cành lần hai kết hợp với làm cỏ và bón phân lần 2, vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên vào tháng 8-9, Duyên Hải Nam Trung Bộ vào tháng 11-12;
Lưu ý: Các vết cắt phải được cắt sát thân hay cành chính và quét bằng dung dịch 1 CuSO4: 4 CaO: 15 H2O để phòng sâu bệnh.
3. Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây điều
– Bọ xít muỗi (Helopeltis theivora Waterh. và H. antonii Sign.)
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ và phát quang bụi rậm để vườn thông thoáng giúp giảm mật số bọ xít muỗi trong vườn. Sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm Pyrethoid; hóa chất “nhúng mùng” để phòng diệt, xua đuổi bọ xít muỗi.
– Bọ phấn đầu dài (Alcides sp.)
Biện pháp phòng trừ: Dùng kéo cắt, đốt hoặc chôn các chồi non bị bọ phấn đầu dài gây hại. Áp dụng hóa chất bảo vệ thực vật phun thuốc lúc thành trùng đến đẻ trứng khi cây đang ra chồi non.
– Xén tóc nâu đục thân (Plocaederus obesus Gahan và P. ferrugineus L.)
Biện pháp phòng trừ: dùng các loại hóa chất bảo vệ thực vật có tác dụng xông hơi và dung dịch Bordeaux 1:4:15 (1CuSO4: 4CaO: 15H2O) quét quanh gốc từ 1,2 m xuống sát gốc để ngăn ngừa xén tóc đến đẻ trứng.
– Bọ trĩ (Scirtothrips dorsalis Hood và Selenothrips rubrocinctus Giard)
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa cành cho thông thoáng để hạn chế phát sinh và phát triển của bọ trĩ, có thể dùng bẫy đèn để bắt bọ trĩ. Phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng diệt bọ xít muỗi dạng hóa chất “nhúng mùng”.
– Bệnh thán thư (Gloeosporium sp. và Colletotrichum gloeosporioides.)
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, phun xịt hóa chất bảo vệ thực vật gốc đồng.
– Bệnh khô cành (Corticium salmonicolor.)
Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ và phát quang bụi rậm cho vườn thông thoáng, phun xịt hóa chất bảo vệ thực vật gốc đồng; phun thuốc đặc trị Validamycin 0,3-0,5% để hạn chế bệnh, cắt tỉa và đốt các cành bệnh nặng.
4. Thu hoạch
– Phổ biến thu hoạch hiện nay vẫn là thu nhặt dưới đất: Để trái rụng xuống đất và thu nhặt dưới đất với định kỳ 2-3 ngày một lần nếu không có mưa hoặc thu nhặt hàng ngày khi trời mưa, cách thu hoạch này tiết kiệm được công lao động và bảo đảm được chất lượng hạt. Ngoài ra có thể thu hái trên cây, cách này thường tốn công nhưng thu được cả trái để sử dụng vào mục đích khác.
– Tách quả và hạt: Hạt phải được loại bỏ cuống, làm sạch phần thịt trái dính ở cuống hạt và có thể rửa cho thật sạch. Sau đó làm sạch đất cát để không gây trở ngại cho việc phân loại hạt trong quá trình chế biến.
– Phơi hạt điều: Sau khi làm sạch, hạt điều được phơi từ 2-3 ngày để bảo đảm độ ẩm hạt xuống dưới 9% (bấm ngón tay vào vỏ hạt không có vết) rồi dùng sàng loại bỏ những dị vật trong hạt. Việc sơ chế này rất quan trọng để đảm bảo cả về mặt kỹ thuật chất lượng lẫn kinh tế.
Sưu tầm và biên soạn
Lê Minh Giang
Bạn vui lòng nhập đúng số điện thoại để chúng tôi sẽ gọi xác nhận đơn hàng trước khi giao hàng. Xin cảm ơn!
