Mô tả
Các giống cải bắp phổ biến
Giống cải bắp ở nước ta không phong phú. Nguồn giống chủ yếu nhập nội từ Nhật Bản, Trung Quốc và một số giống địa phương ở Miền Bắc.
Trước đây trong sản xuất, các giống cải bắp được trồng ở nước ta là những giống địa phương như Sapa, Lạng Sơn, Hà Nội (Phù Đổng), Lào Cai. Đó là các giống cải bắp trồng thích hợp trong vụ Đông, Đông Xuân, được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, còn các giống muộn (dài ngày) thường là những giống Trung Quốc hoặc Nhật.
Một số giống bắp cải được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay:
Giống trong nước: bắp cải Sapa, CB26, F1 ORIENT (C- 95 -7), Giống cải bắp CB1:
Giống nhập khẩu: F1 K.K.CROSS, NS.CROSS; K. Y.CROSS; OS.CROSS, F1 ASIA CROSS, F1 BC310, Cải bắp chịu nhiệt BC34
Trong đó các giống có khả năng chịu nhiệt là:
- BC34 là chủng loại chuyên biệt và chịu nhiệt thuộc thế hệ mới nhất hiện nay có xuất xứ từ Pháp;
- F1 ASIA CROSS chịu nhiệt tốt (nhiệt độ 25 – 32oC);
- K.K.CROSS; NS.CROSS; K. Y.CROSS; OS.CROSS: có khả năng chịu nhiệt, cuốn bắp ở nhiệt độ 25-27oC, có thể trồng vụ Đông Xuân muộn (miền Trung).
Thời vụ trồng cải bắp
Các tỉnh phía Bắc
- Vụ sớm gieo tháng 7, 8; trồng tháng 8, 9; thu hoạch tháng 11, 12.
- Vụ chính gieo tháng 9, 10; trồng tháng 10, 11; thu hoạch tháng 1, 2 năm sau.
- Vụ muộn gieo tháng 11, trồng tháng 12, thu hoạch tháng 2,3 năm sau.
Tuổi cây con 25- 30 ngày sau khi hạt nẩy mầm hay 5-6 lá thật.
Các tỉnh miền Trung và Nam
- Vụ sớm gieo tháng 9; trồng tháng 10; thu hoạch tháng 12.
- Vụ chính gieo tháng 10; trồng tháng 11; thu hoạch tháng 1, 2 năm sau.
- Vụ muộn gieo tháng 11; trồng tháng 12; thu hoạch tháng 3 năm sau.
Các tỉnh có khí hậu lạnh, vùng cao như: Đà Lạt, Lâm Đồng, Sa Pa…: khí hậu thích hợp có thể trồng cải bắp quanh năm
Cách trồng bắp cải
Chuẩn bị đất trồng
Chuẩn bị đất là khâu quan trọng giúp tạo môi trường cho hệ rễ cây bắp cải sinh trưởng tốt đồng thời quyết định tới mật độ cỏ dại, sâu bệnh tấn công cây cải bắp trong suốt vụ. Do đó, bà con nên chuẩn bị đất trồng bắp cải thật kỹ càng trước vụ trồng
- Với bắp cải trồng ngoài đồng ruộng: cần cày bừa kỹ (có thể phơi đất để diệt nấm, ấu trùng sâu nếu có thể); nhặt sạch cỏ; cào đất bằng phẳng; lên luống mặt luống rộng 1- 1,2m, cao 15-20cm, rãnh luống rộng 20 – 25cm; có thể làm luống mai rùa hay luống phẳng tuỳ vụ trồng
- Với cải bắp trồng tại nhà: Chuẩn bị đất phù sa trộn với 30% phân hữu cơ (phân trùn quế, phân gà, phân bò hoai…)
Ươm cây con bắp cải
Nếu như không muốn mua cây con ươm sẵn bạn có thể tự ươm bắp cải giống cho mình. Có 2 cách ươm giống bắp cải là ươm vào khay ươm cây hoặc ươm trực tiếp ra luống hoặc chậu trồng. Cách ươm khay có ưu điểm giúp ta chủ động chăm sóc, bảo vệ cây con trong thời gian cây còn nhỏ, sức sống yếu. Trong khi đó, cách gieo hạt trực tiếp sẽ giúp cho cây bắp cải phát triển ổn định và thích nghi với môi trường trồng luôn mà không bị mất một khoảng thời gian thích nghi khi chuyển cây
Mật độ, khoảng cách trồng cải bắp trên đồng ruộng
Khi cây con đạt 5-6 lá thật ta có thể đem ra trồng với mật độ:
- Với những giống F1, giống dài ngày: khoảng cách trồng (60 x 60)cm hoặc (60 x 50)cm đảm bảo mật độ 27.000 – 33.000 cây/ha.
- Với giống ngắn ngày hoặc trồng vụ sớm và vụ muộn (khó khăn thời tiết) nên trồng khoảng cách (60 x 40)cm hoặc (50 x 50)cm
Chăm sóc cây cải bắp
+ Tưới nước
Mỗi giai đoạn phát triển cây bắp cải sẽ yêu cầu lượng nước và cách tưới khác nhau
- Thời kỳ từ mới trồng – hồi xanh: tưới bằng gáo, tưới đẫm cách gốc 7-10cm, tuỳ theo thời tiết mỗi ngày tưới 1- 2 lần. Xới phá váng sau trồng 10-15 ngày (xới sâu, xới rộng) làm cho đất tơi xốp, trừ cỏ dại.
- Thời kỳ hồi xanh – cuốn: tốt nhất bằng phương pháp tưới rãnh, 7-10 ngày/lần để cung cấp nước đầy đủ cho cây hoặc tưới phun mưa 2 lần/ngày . Đây là thời kỳ cần nhiều nước, dinh dưỡng.
- Thời kỳ cuốn – thu hoạch: Tiếp tục tưới nước khi bắp đã vào chắc, trước thu hoạch 10 -15 ngày tuy nhiên lưu ý khi bắp đã vào chắc thi không tưới rãnh để tránh nổ bắp
+ Bón phân
Trong suốt vụ trồng bắp cải yêu cầu lượng phân như sau:
- Lượng phân bón/ha: Phân chuồng hoai mục 20 – 25 tấn /ha
- Vô cơ: bón 100kg N + 60kg P2O5 + 80kg K2O + 400kg vôi bột
Bón phân cho cải bắp được chia thành các thời điểm bón lót, bón thúc với lượng khuyến cáo như sau:
Bón lót toàn bộ phân chuồng + lân (trộn đều và bón vào hốc), đạm và kali dùng để bón thúc làm 3 lần, (nếu trời rét có thể bón lót 20% kali), chú ý các giai đoạn sinh trưởng.
Gợi ý phân bón lót cho bắp cải nên dùng
Số lần bón thúc/vụ trồng
Lần 1: Sau trồng 10 – 15 ngày 1/3 (N + K) nhằm thúc cây ra lá, trải lá nhanh, tạo bộ lá ngoài tốt (tăng số lá, diện tích lá/cây)
Lần 2: lúc bắp bắt đầu cuốn (cuối thời kỳ trải lá), bón 1/3 (N+K) nhằm thúc bắp cuốn nhanh, cuốn đều, cuốn chặt.
Lần 3: Lúc bắp đã cuốn 10 – 15 ngày, bón số lượng còn lại để nuôi bắp (thúc cho bắp chắc, bắp nặng).
Tham khảo 4 loại phân bón thúc cho bắp cải tác dụng tốt nhất
+ Phòng trừ sâu bệnh
Trong vụ trồng bắp cải thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công. Sâu bệnh sẽ làm cho mã bắp cải xấu, ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất cải bắp. Các loại sâu bệnh phổ biến trên bắp cải như: sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, rệp, bệnh sương mai, lở cổ rễ, thối nhũn… Để phòng trừ các sâu bệnh hại này bà con có thể thăm đồng thường xuyên vào sáng sớm hoặc chiều mát và quan sát kỹ cây. Việc vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước và trong khi trồng sẽ giúp phòng ngừa tốt sâu bệnh cho ruộng bắp cải. Ngoài ra, bà con có thể trồng xen canh cây xua đuổi như cúc vạn thọ để giảm mật độ sâu tấn công cải bắp.
5 loại sâu hại ở bắp cải thường gặp và cách phòng trừ
Điểm danh 7 loại bệnh hại cây bắp cải phổ biến
Thu hoạch bắp cải
Khi bắp cải đã cuốn chặt (bắp căng, chắc, lá ngoài ít) thì có thể thu hoạch. Khi thu hoạch dùng dao sắc để cắt bắp cùng vài lá già bên ngoài để bảo vệ bắp khi vận chuyển, tránh va chạm trực tiếp vào bắp.
Áp dụng biện pháp IPM để bắp cải đạt chất lượng và giá trị cao hơn
Để cải bắp vừa có chất lượng thương phẩm tốt và bán được giá hơn, bà con nên áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM:
- Sử dụng vôi ở giai đoạn bón lót để tiêu diệt nguồn nấm, bệnh tồn dư trong đất và cân bằng pH đất
- Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đồng ruộng, ngắt bỏ lá già, nhổ bỏ cây bị bệnh
- Hạn chế sử dụng thuốc hóa học ; tăng cường dùng thuốc sinh học, vi sinh khi xuất hiện sâu bệnh để bảo vệ thiên địch.
- Ghi chép đầy đủ lịch sử bón phân, phun thuốc
- Thực hiện tốt việc luân canh cây cải bắp với các cây trồng khác họ: hành tỏi, xà lách, đậu đỗ…
—
Như vậy, Agriviet đã giới thiệu những thông tin chi tiết về Kỹ thuật trồng bắp cải và cách chăm sóc chi tiết nhất, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn đọc có được những kiến thức hữu ích để chăm sóc cây đạt chất lượng tốt nhất và mang lại năng suất cao cho mỗi vụ mùa.