Bài 2: PHÂN LÂN VÀ SỰ PHÂN LOẠI LÂN (tiếp theo)

TÔI MUỐN MUA HÀNG Hotline: 0933067033 - 0919817033

Mô tả

1.2. Phân monoamôn photphat (MAP) và phân diamon photphat (DAP).

Phân DAP được sản xuất bằng cách cho phối hợp khí amoniac với axit photphoric tạo thành một hỗn hợp monoamon photphat, diamon photphat và triamon photphat mà diamon photphat là chủ yếu. Hợp chất này dễ hòa tan cây sử dụng và bền vững hơn triamon photphat (không bị phá vỡ mà mất amon) lại có tỷ lệ amon cao hơn monoamon photphat. Hàm lượng  46-50% P2O5 hòa tan trong amon xitrat 2% và 18 – 20 % N. Phân có thành phần monoamon phôtphat là chính cũng được sử dụng khá phổ biến.

Các loại phân này hoàn toàn hòa tan trong nước, dễ hút ẩm nên thường được sản xuất dưới dạng viên hoặc dùng để sản xuất các loại phân đa nguyên tố. Phân dùng trực tiếp bón lót hoặc bón thúc.

Ưu điểm của DAP và MAP là loại phân giàu chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng lân cao nhất trong các loại phân lân và còn chứa đạm nên vận chuyển rẻ tiền hơn.

Lượng đạm so với lân thấp nên thích hợp cho các vùng đất giàu hữu cơ, giàu đạm, chua và thiếu lân. Các vùng đất rừng mới khai phá, các loại đất vùng ven biển mới tiêu thủy để trồng trọt còn giàu hữu cơ và đạm mà lại thiếu lân dùng loại phân này rất hợp.

Sau 10 – 15 năm khai phá và thường xuyên sử dụng loại phân này, tỷ lệ N và P trong phân trở thành không phù hợp nữa. Đất sau nhiều năm khai phá và bón đạm ít, nghèo dần hữu cơ và đạm do bón lượng lân cao, đạm thấp nên đất thiếu đạm và các yếu tố khác. Đó là tình hình diễn biến của sử dụng phân bón ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Sự ưa chuộng DAP giảm dần và công thức phối hợp supe lân hoặc phân lân nung chảy với ure nên khuyến cáo ở các vùng thâm canh. Ở các vùng mới khai hoang, một công thức phối hợp DAP với ure và phân lân nung chảy để có thể khử chua, cung cấp sớm P cho giai đoạn đầu và lân cho giai đoạn sau nên được khuyến cáo cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

1.3. Phân nitrophos.

Phân nitrophos là phân sản xuất từ quặng có chứa lân và axit nitric. Sản phẩm tạo ra có chứa canxi nitrat nên dễ hút ẩm, chảy nước. Người ta khắc phục bằng cách cho thêm axit sunfuric và axit photphoric để tạo canxi photphat, hoặc dùng CO2 để tạo ra CaCO3. Như vậy phân sẽ là một hỗn hợp đa nguyên tố. Các loại phân lân sản xuất từ axit nitric phổ biến trên thị trường E.U (Pháp, Ý, Hà Lan).

Ưu điểm của các nitrophos là loại phân có khả năng khử chua và ít hòa tan. Lượng lân hòa tan trong nước chỉ chiếm 80% tổng số.

Nhược điểm của nitrophos là hàm lượng thấp, dễ chảy nước và giá thành hơi cao.

Hiệu quả của dạng đạm nitrat ở ruộng lúa và vùng đất nhiệt đới rửa trôi nhiều thấp hơn các dạng đạm amon cũng là điều cần được cân nhắc khi xét chọn loại phân lân thích hợp cho nông nghiệp Việt Nam.

1.4. Đúp và tripsupe.

Các loại phân này được điều chế bằng cách dùng axit photphoric kết hợp với CaCO3 tạo thành môn canxi photphat. Loại này được gọi là strip supe lân có hàm lượng P2O5 cao có khi đến 50% P2O5, không có CaSO4. Loại thứ hai được sản xuất bằng cách cho H3PO4 tác động lên apatit. Hàm lượng P2O5 vào khoảng 30%. Loại này gọi là đúp supe.

Hiệu quả của loại phân này khác supe lân ở các thành phần phụ còn lại trong phân trước hết là lưu huỳnh. Phân sẽ tốt hơn supe lân ở các vùng quá giàu lưu huỳnh và ngược lại ở những vùng nghèo lưu huỳnh hiệu quả sẽ kém hơn supe lân. Nhu cầu bón S bắt đầu lộ rõ, ưu thế của supe lân đơn càng ngày càng nên được coi trọng hơn.

1.5. Silico photphat canxi.

Là loại phân lân sản xuất bằng cách cho H3PO4 và SiO2 tác động với apatit, tạo ra CaO.3P2O5.SiO2 (silicophotphat canxi) có chứa 63 – 64 % P2O5 trong đó 92 – 94% tan trong nước 21 – 26% CaO và 10 – 11% SiO2.

Phân silico photphat canxi có ưu thế hơn các loại đúp và trip supe do tác động của SiO2. Loại phân này làm cho cây hòa thảo cứng cây.

1.6. Các loại meta photphat.

Từ axit octophotphoric (H3PO4) người ta sản xuất ra các loại axit đậm đặc hơn bằng cách chưng cất. Các axit này là axit pyro photphoric (H4P2O7) axit meta photphoric (HPO3) và các axit poliphotphoric khác có thể chứa đến 65 – 83% P2O5 hay còn cao hơn nữa. Dùng các axit này để tạo với canxi hay kali các muối photphat.

Metaphotphat canxi: Là loại phân tinh thể giòn và óng ánh như thủy tinh chứa 64 – 70% P2O5 ngoài ra còn có CaO, Fe2O3, Al2O3, silic và fluor. Có 3 cách sản xuất meta photphat canxi. Cách thứ nhất từ axit meta photphoric ít phổ biến. Cách thứ hai sản xuất từ quặng apatit và P2O5 gia nhiệt cao. Hai cách sản xuất sau thông dụng hơn. Các meta phophat do cách sản xuất và tính ít hòa tan có thể xếp vào nhóm phân lân nung chảy; và là loại phân không hòa tan trong nước mà chỉ hòa tan trong axit yếu hoặc axit loãng, loại phân ít hòa tan.

Meta photphat kali:. Loại phân ở dạng tinh thể nhỏ. Sản phẩm công nghiệp thường là hỗn hợp của meta photphat kali và pyro photphat kali có chứa khoảng 40% K2O và 60% P2O5.

Các sản phẩm này không tan trong nước nhưng dễ hòa tan trongg oxalat hay xitrat amon sử dụng như các loại phân lân ít hòa tan.

1.7. Các loại phân supe lân ít hòa tan (chậm tan).

Trong những năm đầu thế kỷ thứ 20, sự cố gắng của công nghiệp sản xuất phân hóa học nhằm vào:

– Sản xuất các loại phân tan nhiều trong nước để cây dễ dàng sử dụng, hiệu quả nhanh.

– Sản xuất các loại phân có chứa ba yếu tố phân bón cao.

Dần dần trong quá trình sử dụng người ta thấy rằng nếu độ hòa tan quá cao thì phân lân lại dễ chuyển thành dạng khó hòa tan và bị giữ chặt lại do tiếp xúc nhiều với các nhân tố gây cố định và giữ chặt có sẵn trong đất. Vì vậy, xuất hiện quan niêm cho rằng không nhất thiết phải phá vỡ hoàn toàn tinh thể apatit bằng lượng axit cao, chỉ cần dùng một lượng vừa phải đủ để tạo ra sự phá vỡ ban đầu của tinh thể apatit, tạo ra CaHPO4 và các photphat canxi ít hòa tan khác. Loại phân lân này gọi là phân lân bị oxy hóa một phần (PAPR) hay còn gọi là phân ít tan hay phân chậm tan. Sau khi bón vào đất, phân sẽ tham gia vào các quá trình trong đất mà tiếp tục phân giải. ý định rất được các nhà khoa học Pháp (IRAT CITRAT) và Mỹ (Trung tâm phát triển phân bón quốc tế Alabama) chú ý và đã sản xuất thử nghiệm. Các kết quả thử nghiệm rộng rãi trên mạng lưới nhiều nước và nước ta cho thấy rằng loại phân lân này có những ưu điểm sau đây:

– Hàm lượng lân tổng số trong phân cao hơn supe lân thông thường. Ví dụ loại phân A sản xuất từ apatit Lào Cai loại I có hàm lượng P2O5 là 25,1% trong đó có 69 % tan trong xitrat amon. Do đó chuyên chở, bảo quản rẻ tiền hơn.

– Giá thành 1 kg P2O5 rẻ tiền hơn.

– Hiệu quả vụ đầu không kém supe lân trên đất ít chua, kém nột ít trên đất trung tính và cao hơn supe lân ở đất chua nhiều. Hiệu quả vụ sau trội hơn rõ.

Loại supe lân PA của nhà máy supe lân Long Thành có tỷ lệ P2O5 20%, trong đó có 8% P2O5 hữu hiệu và 4% MgO có lẽ đã vận dụng sáng tạo thành tựu nghiên cứu này.

Các kết quả nghiên cứu trên nhiều vùng đất đai khí hậu nước ta miền bắc, miền Trung và miền Nam, trên đất lúa cũng như đất trồng hoa màu cho thấy rằng loại phân này có nhiều triển vọng.

1.8. Supe lân sản xuất từ các axit clohydric.

Người ta cũng có thể sản xuất ra loại sản phẩm tương đương supe lân bằng cách cho HCl tác động với apatit. Quá trình này hình thành CaCl2 và làm cho phân ướt. Ở vùng khô hạn ion Cl- có thể tồn dư trong đất và gây độc cho cây.

Ở vùng mưa nhiều, nhất là vùng đất lúa, Clo dễ bị rửa trôi theo nước thấm sâu. Nhiều kết quả điều tra và thí nghiệm cho thấy rằng số lượng Cl- tồn dư  rất thấp không phát hiện được bằng phương pháp phân tích thông thường, sau 4 vụ trồng lúa bón liên tiếp bằng phân lân sản xuất từ axit clohydric. Sản xuất phân lân từ axit clohydric nên được chú ý đối với các nước sản xuất nhiều muối như nước ta.

1.9. Phân lân kết tủa (Prexipitat).

Ở các nước ôn đới do sợ rằng clo sẽ tích lũy trong đất gây hại cho hệ sinh vật đất ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm và làm cho phân ướt nên tìm cách loại bỏ CaCl2. Trước hết sử dụng HCl tác động lên apatit để tạo ra axit photphoric sau đó dùng sữa vôi để kết tủa. Sản phẩm tạo thành là dicanxi photphat và vì vậy gọi là phân lân kết tủa.

Trong phân phức chứa 38 – 42% P2O5, không hòa tan trong nước mà chỉ hòa tan trong xitrat amon.

Phân lân kết tủa màu trắng đục, vô định hình, tơi rời ít hút ẩm, thích hợp cho đất chua và ít chua.

Phân lân kết tủa thường dùng để sản xuất các loại phân phức hoặc dùng để làm thức ăn gia súc. (Còn nữa).

Sưu tầm & biên tập -Ks Lê Minh Giang

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *