Noel 2016 sắp đến, thời tiết bắt đầu se lạnh trong vài ngày nay. Có những sáng sớm, khi tôi dậy thấy sương mù dày đặc, sương đọng phủ trắng tán lá vườn hồng. Tán lá cây hồng ướt đẫm như sau 1 trận mưa lớn. Việc sương mù xuất hiện và kéo dài trong nhiều ngày kèm theo những cơn mưa rào vào chiều tối sẽ làm độ ẩm trong không khí tăng khiến các loại nấm bệnh phát triển nhanh, gây hại cho nhiều loại cây trồng trong đó có cả cây hoa hồng.
Sương mù thường xuất hiện khi nào?
Sương mù hay xuất hiện khi nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch khá lớn. Ở miền Tây thì sương MUỐI hình như không xuất hiện, chỉ có sương mù. Đó giờ tôi vẫn nghĩ sương muối là sương có vị mặn nên gọi sương muối, ai dè lên mạng tìm hiểu thì:
Sương muối là gì? Sương muối nó là hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất hay bề mặt cây cỏ hoặc các vật thể khác khi không khí trên đó ẩm và lạnh. Nó thường hình thành vào những đêm đông, trời lặng gió, quang mây, khi mà bức xạ là nguyên nhân chủ yếu của quá trình lạnh đi của không khí và các vật thể. Nên nhớ rằng nó không mặn mà chỉ trắng như muối, gần giống với lớp tuyết ở trong khoang lạnh của tủ lạnh.
Sương mù có tác hại gì đến cây hoa hồng
Sương mù nhiều kèm theo những đợt lạnh và một số cơn mưa rào vài bữa nay sẽ làm độ ẩm không khí tăng dễ làm phát sinh bệnh đốm lá trên cây hoa hồng. Theo hình dạng các đốm đen góc cạnh xuất hiện trên lá hồng, chúng chạy dọc theo các gân lá thì nó giống với bệnh đốm lá do vi khuẩn Xanthomonas sp. gây ra.
Khi mưa nhiều hoặc thời tiết ẩm ướt, sương mù nhiều, tôi HẠN CHẾ TỐI ĐA việc bón quá nhiều phân ĐẠM (N) cho cây hồng, thay vào đó tôi bổ sung thêm Kali hoặc Canxi giúp cứng cây, tăng sức chịu đựng.
Tôi hay sử dụng thuốc Acstreptocinsuper 40TB (chứa hoạt chất Streptomycin sulfate) để phun phòng bệnh đốm lá trên cây hồng trong các tháng trời lạnh và nhiều sương, ngoài ra có thể dùng Map Lotus 125WP.
– Có thể dùng các loại thuốc sau đây để thay thế 2 loại thuốc trên, phun khi bệnh vi khuẩn phát triển:
1- Kocide( hoạt chất Copper Hydroxide) của Cty DuPont Vietnam.
2- Sasumi 70 WP ( hoạt chất Copper Oxychloride) của Cty Sumimoto Chemical.
3- Kasuran 50 WP (hoạt chất Kasugamycin 5% +Coper Oxychloride 45%) của Cty Hokko Chem Ind Co Ltd.
4- Cuprimicin 500, 81 WP (hoạt chất Streptomycin 2,194 % +Oxytetracyline 0,253%+ Tribasic Copper Sulfate 78,52%) của Cty Tân Qui. (loại này trị bệnh thối nhũn trên cây lan hồ điệp rất hiệu quả).