Chat hỗ trợ
Chat ngay

LƯU Ý QUAN TRỌNG VỚI MÔ HÌNH TƯỚI NƯỚC NHỎ GIỌT TRÊN CÂY TRỒNG

Mục Lục Bài Viết >>>

Xin cảm ơn!

Mặc dù mới được đưa vào vận hành cách đây chưa lâu nhưng hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên cây cam Đường Canh của gia đình anh Bùi Đức Long, ở phố Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã cho thấy nhiếu ưu điểm như: Vận hành đơn giản, tiết kiệm công lao động và nước tưới, nâng cao hiệu quả sản xuất cho cây cam Đường Canh.

 Tưới nhỏ giọt cho cây cam

 Anh Long thăm vườn cam Đường Canh hơn 2 năm tuổi được chăm sóc từ hệ thống tưới nhỏ giọt
Anh Long thăm vườn cam Đường Canh hơn 2 năm tuổi được chăm sóc từ hệ thống tưới nhỏ giọt

Vốn là tỷ phú cam Đường Canh có tiếng của huyện niềm núi Lục Ngạn, anh Bùi Đức Long (SN 1967) hiện đang sở hữu ba trang trại trồng cam (ở các thôn Hiệp Tân, Hăng – xã Hồng Giang và thôn Nghĩa – xã Nghĩa Hồ) với tổng diện tích 5 ha, trong đó có gần 4 ha cho thu hoạch.

Không chỉ là một trong những người đi đầu trong việc đưa cây cam Đường Canh về đồng đất Lục Ngạn (năm 2003), anh Long còn là nông dân tiêu biểu có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc cam Đường Canh hiệu quả. Điển hình như giải pháp kỹ thuật “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh” do anh nghiên cứu thành công đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bắc Giang lần thứ VI năm 2015 và đoạt giải ba cấp trung ương.

Thực hiện giải pháp này, việc chăm sóc cam Canh – cây ăn quả khó tính đối với gia đình anh nói riêng và người dân Lục Ngạn nói chung trở nên đơn giản hơn. Cũng nhờ đó, vườn cam nhà anh Long luôn cho năng suất và chất lượng quả tốt. Trong ba năm gần đây, sản lượng cam nhà anh Long luôn đạt từ 50 đến hơn 65 tấn quả, doanh thu đạt từ 1,8 tỷ đến 3,8 tỷ đồng/năm.

Tháng 12 năm 2015, vườn cam Đường Canh của gia đình anh Bùi Đức Long rộng 4 mẫu tại thôn Hăng, xã Hồng Giang được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang lựa chọn và hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình thí nghiệm áp dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cam bằng công nghệ của Isarel.

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của kỹ sư khoa học, chỉ sau nửa tháng tích cực thi công, hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cam đã được lắp đặt xong và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tích cực.

Theo đó, hệ thống tưới nước nhỏ giọt gồm: máy bơm nước, cốc lọc, bộ châm phân, trục cấp nước bằng ống PVC, van điều áp, đường ống dẫn nước PE đến các luống, ống nhỏ giọt vào 1.800 gốc cam Đường Canh… Tổng chi phí khoảng 450 triệu đồng (bao gồm cả lương nuôi một kỹ sư theo dõi vận hành hệ thống tưới trong 1 năm), trong đó gia đình anh Long đóng góp 115 triệu đồng.

Anh Bùi Đức Long cho biết 1 gốc cam có 1,8 m dây tưới nhỏ giọt
Anh Bùi Đức Long cho biết 1 gốc cam có 1,8 m dây tưới nhỏ giọt

 

Hướng dẫn chúng tôi đi thăm vườn cam Đường Canh tươi tốt, lá xanh mướt, được đánh luống trồng theo hàng lối khoa học, anh Long phấn khởi cho biết: Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cam đã phát huy nhiều ưu điểm tích cực như: tiếp kiệm thời gian tưới, lượng nước tưới và công lao động; bón phân dễ dàng với hiệu quả cao; lượng nước được thấm sâu giữ ẩm tốt nên cây phát triển rất xanh tốt, mặc dù cây mới được 2 năm tuổi nhưng đã cao to như cây 3 – 4 tuổi.

Cụ thể, trước kia nếu áp dụng tưới tràn thủ công cho vườn cam 4 mẫu này phải cần 3 công lao động thì nay nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt chỉ một người làm một giờ là xong. Mặt khác, khi tưới tràn loang, mỗi gốc cam mất khoảng 20 lít nước nhưng độ thấm không sâu nên sau 3 ngày phải tưới lại, còn tưới nhỏ giọt thì 6 ngày sau mới phải tưới lại.

Đặc biệt là việc bón phân rất đều nhờ lượng phân bón được hòa tan hết vào thùng nước, qua bộ châm phân tưới đều cho các gốc nên hiệu quả bón phân rất cao.

Tuy nhiên, anh Long cũng lưu ý là không dùng được nước giếng khoan để tưới trực tiếp cho cây mà dùng nước hồ, vì giếng khoan ở địa phương có cặn đá vôi sau thời gian sử dụng sẽ gây tắc đường ống dẫn nước.

(Nếu trường hợp phải sử dụng nước giếng khoan thì nên bơm nước lên bể để lắng cặn một thời gian rồi mới được đưa vào tưới).

Hiện anh Bùi Đức Long đang làm Chủ nhiệm câu lạc bộ trang trại cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Lục Ngạn. Câu lạc bộ có 23 thành viên là chủ trang trại ở các xã như: Tân Mộc, Phượng Sơn, Quý Sơn, Hồng Giang, Tân Quang…

Câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt để thành viên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi; liên kết trong sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thông tin cho nhau về đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là nơi để anh Long phổ biến kỹ thuật “Xử lý ra hoa đậu quả không đào rễ trên cây cam Đường Canh” và hiệu quả của mô hình tưới nước nhỏ giọt cho thành viên câu lạc bộ.