Những lưu ý trước và sau khi bẻ tùng
1. Thời gian bẻ tùng tốt nhất vào khoảng từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 âm lịch của năm sau. Thời gian này tiết trời thường mát mẻ hoặc lạnh, ít nắng gắt nên việc bẻ tùng ít rủi ro. Quan trọng hơn là thời điểm đó ít xảy ra bão nên đỡ phải bê cây ra vào tốn công. Thời tiết bẻ tùng tốt nhất là mát mẻ kéo dài, độ ẩm trong không khí cao.
2. Nếu trời mát nhưng hanh thì bẻ tùng cũng không tốt lắm, khi đó phải phun lá thường xuyên để giữ độ ẩm.
Người ta cũng không bẻ tùng trời mưa vì nước mưa sẽ ngấm vào trong thớ gỗ nơi mới bẻ làm mục phần này và hỏng vết bẻ.
3. Khi bẻ xong đang trong thời gian dưỡng, nếu trời trở nắng gắt thì phải dùng lưới che và phun nước thường xuyên lên lá để giữ ẩm.
4. Không nên tỉa lá cắt cành khi bẻ, vì ta cần nhiều lá để các chỗ bẻ uốn mau được cố định.
5. Nếu cây khỏe và kỹ thuật của bạn tốt có thể bẻ 3,4 nhịp trên 1 cành cùng lúc. Nhưng nếu là lần đầu bạn làm thì chỉ nên bẻ 1 nhịp thôi.
Thao tác bẻ
Đầu tiên bạn cần sắm một cái kìm chuyên để bổ cành. Bạn có thể mua hàng của Nhật (khá đắt, hơn 1 triệu) hoặc mua hàng rèn thủ công của Việt Nam hay bán ở các hội chợ cây cảnh giá chỉ khoảng 100-200 nghìn.
Đầu tiên là buộc dây tại 2 đầu đoạn dự định bổ. 2 dây này sẽ hạn chế vết bổ không bị toác quá dài so với dự kiến.
Dùng kìm bổ dọc theo thớ gỗ. Bởi các mạch nhựa của cành tùng chạy song song với cành nên nếu bạn bổ dọc các mạch này sẽ gây rất ít tổn thương tới cành. Đây là thao tác quan trọng quyết định thành công, bạn cố gắng làm sao chỉ “tách” thớ gỗ ra thôi chứ đừng làm chúng bị đứt.
Dùng tay uốn thử, nếu thấy còn cứng thì bạn tiếp tục bổ làm 4, làm 6.
Dùng 2 tay day, lắc cành từ từ nhiều lần cho các sớ gỗ dãn dần ra. Đừng bẻ liền 1 lần tới vị trí dự kiến luôn bởi dễ làm các thớ gỗ bị đứt và gây chết cành.
Sau khi đã bẻ tới vị trí ưng ý, ta dùng nilong quấn kín chỗ vừa bổ. Lớp nilong lót này giúp cho vỏ cây không bị dính keo từ băng dính và cũng ngăn nước thấm vào vết bổ nữa.
Tiếp tục dùng băng dính đen quấn kín quanh vết bổ, cố gắng quấn càng chặt tay càng tốt để mai này vết bổ không bị sùi ra.
Cuối cùng là dùng que tre, dây níu để cố định cành thật chắc chắn. Nếu cành lỏng lẻo, gió thổi đong đưa được thì vết bổ sẽ rất lâu lành.
Chăm sóc sau khi bổ
1. Thường xuyên phun sương ướt lá vào ban đêm (tùng hấp thụ nước qua lá vào ban đêm)
2. Nên để 1 năm sau hãy tháo que chống và băng keo. Không nên tháo sớm bởi nếu cây khỏe thì sẽ đùn thịt sùi ra ngoài trông không thẩm mỹ, nếu cây yếu thì vết sẹo chưa liền khiến nước mưa dễ xâm nhập và gió lay làm vết bổ bị toác ra.
Hình cây tùng cối đẹp được làm theo lối bẻ vặn này:
Nguồn caycanhvietnam, tác giả Giang Thanh Sơn