Quy tắc về kích thước của chậu so với cây
Những quy tắc này không bắt buộc, nhưng nó có giá trị tham khảo để bạn có thể dựa vào đó mà làm cho tác phẩm thuận mắt hơn.
- Đối với cây lùn lực, tán lá rộng thì đường kính chậu = 2/3 bề rộng tán lá. Tán lá nên trùm ra ngoài chậu ở cả 4 phía.
- Đối với chậu mỏng dẹt bao gồm cả chậu chữ nhật, chậu tròn, chậu ovan thì bề dày chậu bằng đường kính thân cây.
- Đối với chậu tròn thì đường kính chậu nên bằng 1/3 chiều cao của cây.
Tuy nhiên, thử tưởng tượng bề dày chậu khác đi, bạn sẽ thấy: –hình 1. h=d , cho chúng ta thấy một tác phẩm ổn định, tuy không đặc sắc gì ở phần gốc, thân và chậu nhưng rõ nó “rất chuẩn mực”. –hình 2. h>d , dễ đưa tới một hình tượng nặng nề cho tác phẩm. Chậu dày hơn đường kính gốc khiến người xem nghĩ cái cây này đang phát triển mạnh với một khối rễ lớn, cây chưa già. –hình 3. và hình 4. h<d gợi cho người thưởng lãm 3 ý niệm cùng một lúc:
- Tác phẩm trông rất nhẹ nhàng
- Rễ ít ỏi chứng tỏ cây sống chậm = cây quá già.
- Rễ xòe rộng trên mặt đất = cây già và đế rễ rất vững.
Kết luận: Những quy tắc nêu trên chỉ là xem chơi chứ không nhất định phải thế.
Các loại chậu phi truyền thống
Chậu bonsai truyền thống của người Tàu và người Nhật là chậu đất nung với thiết kế hình học đơn giản như chậu chữ nhật, vuông, lục giác.. Ngày nay công nghệ phát triển, có một số loại chậu mới ra đời.
Chậu thiết kế riêng cho cây là những chậu được làm riêng phù hợp với đặc tính của riêng mình cây đó mà thôi. Chậu có thể làm bằng đất nung hoặc bằng xi măng. Nếu làm bằng xi măng thì ta ghép nhiều mảnh lưới thép vào nhau rồi quét nước xi măng lên. Ngày nay nhiều người thích loại chậu này bởi nhìn nó rất ấn tượng, và hầu như chẳng đụng hàng. Nhưng những người đứng tuổi thường không thích loại chậu này bởi họ nói “vẻ đẹp của chậu lấn át vẻ đẹp của cây”.
Chậu gỗ, chậu nhựa, rổ nhựa là những loại chậu dùng để trồng cây đang nuôi. Chúng có ưu điểm là dễ đục lỗ thoát nước và rẻ. Đặc biệt rổ nhựa là một cải tiến rất hay trong kỹ thuật trồng cây cảnh, bởi đất trồng trong rổ nhựa rất thoáng khí và dễ thoát nước.
Chậu đá thường phù hợp với cây ký đá lớn hoặc tiểu cảnh. Ngày nay Việt Nam chưa cấm khai thác đá tự nhiên nên loại chậu này cũng khá là sẵn. Nhưng mai mốt chả cấm thì cũng không còn núi đâu mà khai thác, cho nên tương lai loại chậu này sẽ hiếm.
Có liên quan: bàn về việc trồng cây trong rổ nhựa.
Vị trí giữa cây và chậu
Đối với chậu hình chữ nhật nên tránh 4 đường phân đôi chậu, đồng thời đặt cây hơi lệch về phía ngược với “hướng chuyển động” của tác phẩm để cho cây có không gian đi hết tầm chuyển động của nó. (diễn tả hơi tối nghĩa, nhưng bạn nhìn hình sẽ hiểu thôi)
Đối với chậu tròn, vuông, lục giác, bát giác thì đôi khi bạn thấy cây đặt ở chính giữa chậu có vẻ đẹp hơn đặt lệch. Tuy nhiên khi đặt như vậy mặt đất 2 bên có vẻ bằng nhau quá, kém hay. Bạn có thể giải quyết vấn đề bằng cách đặt một hòn sỏi, một vài cọng cỏ.. ở một bên để chia nhỏ đất ra, phá thế cân bằng.
Cách đặt chậu khi triển lãm
Những lời khuyên dưới đây không phải là bắt buộc. Bạn tin hay không thì tùy, đừng nói mình nhiều chuyện nhen.
1. Những chậu tròn thường được làm có 3 chân. Khi đem trưng bày bạn lưu ý không nên đặt chậu ở phía chỉ nhìn thấy có 1 chân, nhìn nó không được vững vàng.
2. Những chậu lục giác lùn nên đặt một cạnh của lục giác làm chính diện, ngược lại chậu lục giác cao nên đặt sống của chậu làm chính diện.
Tổng hợp từ forum.caycanhvietnam.com