Bệnh thán thư gây hại khoai mỡ còn được gọi là bệnh chết ngược, bệnh than đen hay sét đánh bởi vì thường sau một trận mưa lớn, bệnh phát triển rất nhanh và lan rộng cả vùng, có thể gây chết cả cây và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất khoai mỡ.
1. Tác nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển
Tác nhân gây bệnh là nấm Colletotrichum sp., nấm có thể xâm nhiễm và gây hại trên nhiều loại cây trồng (xoài, cây có múi, chuối, …) và cỏ dại. Khi ruộng khoai đã bị nhiễm thì sự bùng phát thành dịch bệnh tùy thuộc vào lượng mưa và giống khoai. Mưa kéo dài thuận lợi cho bệnh phát triển thành dịch, mưa lớn trùng với giai đoạn phát triển của cây có nhiều lá non thì bệnh lây lan nhanh khắp cả ruộng.
2. Triệu chứng gây hại
Triệu chứng thay đổi theo tuổi lá, lượng mưa và giống khoai. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện là những đốm màu nâu đen bằng đầu kim trên lá, cuốn lá, dây và củ. Dưới điều kiện ẩm ướt chúng liên kết lại thành những đốm lớn có gốc cạnh hoặc tròn. Trong điều kiện khô ráo, những vết bệnh trở nên khô và rơi xuống tạo thành những lỗ hỏng trên lá. Nấm tấn công vào gân lá, lá sẽ bị đen ở những lá già hoặc bị biến dạng gây co quắp lại ở lá non. Bệnh nặng thì tất cả các lá và toàn thân dọc bị cháy khô làm mất khả năng quang hợp nên không cho thu hoạch.
3. Biện pháp phòng và trị bệnh:
a. Chuẩn bị củ trồng:
Chuẩn bị củ trồng: củ giống phải được lựa chọn từ những củ không bị nhiễm bệnh và được bảo quản ở nơi mát mẻ trong suốt thời gian miên trạng (ngủ). Củ giống trước khi được cắt để tạo mục giống cần phải xử lý với nước ấm (hai sôi + ba lạnh) hoặc thuốc trừ nấm phổ rộng để loại bỏ nấm trên bám trên củ và dao cắt cũng cần phải được xử lý với thuốc tẩy.
Mục giống sau khi cắt cần nhúng vào tro. Sau khi ủ, mục giống cần được kiểm tra cẩn thận trước khi trồng và loại bỏ ngay khi có triệu chứng thối.
Ngoài ra, có thể sử dụng giống kháng để tăng khả năng chống chịu của cây đối với mầm bệnh khi gặp điều kiện bất lợi.
b. Thời gian trồng
Khoai cần được trồng sớm và phát triển tối đa trước khi mưa nhiều. Tuy nhiên, trồng sớm cũng không thể tránh hoàn toàn bệnh nhưng có thể trì hoãn dịch bệnh bùng phát và giảm thiểu thiệt hại.
c. Biện pháp phòng trị bệnh
Cây bị nhiễm bệnh nặng không có khả năng chữa trị, do đó cần chú trọng phòng bệnh và thăm đồng thường xuyên phát hiện sớm để xử lý kịp thời.
Phòng bệnh:
+ Xử lý củ giống trước trồng, loại bỏ củ giống nhiễm bệnh, thoát nước tốt cho ruộng bằng cách đào rãnh, không để độ ẩm đất quá 70%. Trước khi trồng, nên dùng phân hữu cơ ủ với nấm đối kháng Trichoderma sp. để bón lót cùng với các phân bón lót khác. Bón phân cân đối NPK giúp dây khoai phát triển tốt, khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu với mầm bệnh.
+ Nên luân canh với các cây trồng khác họ, luân canh với lúa là một trong các biện pháp canh tác quan trọng làm giảm thiểu sự lây lan của mầm bệnh.
+ Vệ sinh đồng ruộng: Thu dọn tàn dư cây trồng vụ trước tiêu hủy, hoặc cày bừa kỹ nhằm chôn vùi xác bả thực vật sau khi thu hoạch. Tiếp tục cắt tỉa và tiêu hủy bộ phận nhiễm bệnh khi khoai phát triển chồi lá, thân và củ. Kiểm soát các cây trồng khác mang cùng mầm bệnh như xoài, chuối, cây có múi, một số loại cây khác và kể cả cỏ dại.
Biện pháp sử dụng thuốc:
Khi bệnh mới xuất hiện 2-5% trong ruộng và không có mưa cần phun luân phiên một trong các loại thuốc trừ nấm phổ rộng hoạt chất Propineb, Chlorothalonil, gốc đồng, Mancozeb…theo liều khuyến cáo trên bao bì, phun 2-3 lần toàn bộ ruộng, cách nhau 5-6 ngày. Nếu trời không mưa, không cần phun tiếp. Nếu trời mưa lớn hoặc liên tục cần phun luân phiên một trong các loại thuốc Difenoconazole, Azoxystrobin ….Cây khoai có độ bám dính thuốc kém, trong quá trình phun nên trộn với các chất bám dính hoặc dầu khoáng để tăng độ bám dính của thuốc.
Nếu ruộng khoai chưa thấy bệnh nhưng ruộng kế bên đã bị bệnh kết hợp với mưa cần phun ngừa với thuốc trừ nấm phổ rộng.
Nếu khoai mới trồng (nhỏ hơn 3 tháng tuổi) nhiễm bệnh quá nặng (trên 50%) kết hợp với mưa dầm kéo dài, cần tiêu hủy cả ruộng khoai vì phòng trị không hiệu quả, không kinh tế và gây ô nhiễm môi trường.
CẦN TƯ VẤN KỸ THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NẤM BỆNH HẠI VÀ QUY TRÌNH KỸ THUẬT VỀ CÂY TRỒNG
XIN MỜI BÀ CON GỌI ĐIỆN THOẠI VỀ SỐ 0982.427.033